(BTV) Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật; Chiều qua, các đại biểu Quốc hội tiếp tục tiến hành thảo luận tại tổ về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều các luật liên quan đến luật Quy hoạch và luật trồng trọt. Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến chủ trì phiên thảo luận tại tổ 9 gồm 4 đoàn: Bắc Ninh, Tuyên Quang, Long An và Ninh Thuận.

Dự thảo luật trồng trọt bao gồm 7 chương và 82 điều, quy định các nội dung về giống cây trồng; phân bón; canh tác; thu hoạch, mua bán, sơ chế, chế biến, xuất nhập khẩu sản phẩm trồng trọt; quản lý nhà nước về trồng trọt. Cho ý kiến cụ thể đối với dự án luật này, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến đề nghị, cần đảm bảo tính cân đối trong bố cục dự thảo luật, cũng như bổ sung phạm vi điều chỉnh để rộng hơn, bao hàm đầy đủ hơn, phù hợp với tình hình hiện nay.
Cũng liên quan tới Luật Trồng trọt, đại biểu Trần Văn Túy cho rằng, luật mới giành phần lớn nội dung cho quy trình sản xuất, mà điều quan trọng trong nông nghiệp là công nghiệp bảo quản, chế biến sau sản xuất. Bởi tại Việt Nam, tổn thất sau thu hoạch được coi là lớn nhất thế giới. Do vậy cần chú trọng công nghệ bảo quản, chế biến để tránh tình trạng liên tục phải “giải cứu” nông sản như suốt thời gian qua. Vấn đề quản lý nhà nước về trồng trọt cũng cần sự linh hoạt, thông thoáng, phân cấp phân quyền mạnh hơn cho địa phương. Đối với quy trình khảo nghiệm giống và quản lý phân bón một số ý kiến đại biểu cho rằng còn nhiều điểm bất cập, không phù hợp với bối cảnh hiện tại.
Băn khoăn về điều 51 khoản đ, đại biểu Trần Thị Hằng đề nghị cần quy định rõ cơ quan chỉ định trong luật để đảm bảo tính chặt chẽ.
Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan tới Luật Quy hoạch, đa số ý kiến cho rằng việc điều chỉnh các Luật liên quan đến Luật quy hoạch là cần thiết để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất khi triển khai trên thực tế. Tuy nhiên việc điều chỉnh phải thận trọng, tránh tác động đến những quy hoạch chuyên ngành đã được triển khai. Một số ý kiến khác đề nghị, việc điều chỉnh quy hoạch có trách nhiệm rất lớn của các cơ quan quản lý cấp dưới bởi đây là đội ngũ trực tiếp thực hiện quy hoạch. Vì vậy việc quản lý, giám sát cơ quan quản lý cấp dưới trong việc điều chỉnh quy hoạch là rất cần thiết để tránh làm thay đổi những mục tiêu ban đầu đã có trong quy hoạch tổng thể.
Thanh Tùng