GÌN GIỮ, PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA QUAN HỌ

(BTV) Nhằm tạo cho người dân trong thôn và trong xã một sân chơi bổ ích cũng như góp phần bảo tồn và giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống. Từ nhiều năm nay, câu lạc bộ Quan họ thôn Kênh Phố, xã Cao Đức, huyện Gia Bình đã và đang trở thành nơi thu hút rất nhiều người dân trong địa phương và các thôn lân cận tới giao lưu, học hỏi, góp phần quan trọng trong việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc.

 

​ 

Buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Quan họ thôn Kênh Phố, xã Cao Đức, huyện Gia Bình

​          Câu lạc bộ Quan họ thôn Kênh Phố được khởi nguồn từ năm 2017, do vợ chồng ông Nguyễn Quang Hạp đứng lên thành lập. Ban đầu, câu lạc bộ có 5 thành viên, các thành viên gồm những người dân trong thôn, xóm yêu thích Quan họ tụ họp lại với nhau. Trải qua quá trình gây dựng và hoạt động, câu lạc bộ đã thu hút được gần 30 thành viên với các độ tuổi khác nhau tham gia sinh hoạt đều đặn. Vào dịp tối thứ Năm và Chủ nhật hàng tuần, các liền anh, liền chị lại xúng xính áo tứ thân, vấn ba tầm đi giao lưu và học hát Quan họ với nhau. Các thành viên tập trung tại đình, chùa và nhà ông Hạp để cùng nhau luyện hát, với những lời bài hát quen thuộc của Dân ca Quan họ Bắc Ninh như “Còn duyên, Lý cây đa, Mời trầu, Người ơi người ở đừng về….”

Nhớ lại những ngày đầu hoạt động, ông Trần Quang Hạp cho biết, trước đây, câu lạc bộ chỉ là một nơi để cho các thành viên trong xóm hát giao lưu, giải trí, tôi cũng không nghĩ gì nhiều hơn về mở rộng số lượng thành viên. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, người dân trong thôn cảm nhận được niềm vui, cùng giá trị nghệ thuật trong đó, mọi người xin gia nhập câu lạc bộ ngày càng nhiều và lan tỏa mạnh mẽ cho đến ngày nay. Với lòng đam mê và nhiệt huyết trong người, sau một thời gian phát triển, nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương và người dân trong thôn, câu lạc bộ không chỉ với mục đích là nơi giao lưu học hỏi mà còn lan tỏa làn điệu Dân ca Quan họ tới mọi nơi, để mọi người dân đều có thể biết đến.

Bà Nguyễn Thị Luyến, một trong những thành viên đầu tiên câu lạc bộ chia sẻ, ngày xưa, chúng tôi được thế hệ đi trước chỉ bảo tận tâm cách hát Quan họ, tuy không phải là làng Quan họ gốc, nhưng với niềm đam mê môn nghệ thuật này nên mong muốn tìm được một nơi để giao lưu, gìn giữ và lan tỏa những câu hát cùng những tập tục trong chơi Quan họ. Không cần trang điểm kĩ càng cho giống những buổi đi diễn giao lưu, mọi người đối mặt nhau, cất lên từng câu hát, bắt nhịp đều đặn và hát theo. Những thành viên hát tốt rồi thì uốn nắn những thành viên mới, từng câu từng chữ sao cho lời hát được tròn vành, rõ chữ, chăm chú vào nhịp và hát các làn điệu Quan họ một cách thuần thục. Bởi, hát Quan họ không mang tính biểu diễn như hát chèo, Quan họ càng mộc mạc, giản dị, chất phác càng dễ đạt độ “vang, rền, nền, nảy”. Tại đây, các thành viên còn được học cách ứng xử khéo léo, tế nhị, kín đáo và mang đầy ý nghĩa của người Bắc Ninh - Kinh Bắc, bà Luyến nói. 

Tham gia câu lạc bộ Quan họ được nhiều năm, bà Nguyễn Thúy Kiềm, thành viên câu lạc bộ Quan họ cho biết: Tôi rất yêu câu Dân ca Quan họ, nó cuốn hút tôi từ khi còn nhỏ, tôi thường học theo các ca sĩ và hát theo họ đó là niềm đam mê của tôi, từ khi biết đến câu lạc bộ tôi liền lập tức tham gia vào ngay. Khi giao lưu cùng mọi người trong thôn sau quãng thời gian làm việc vất vả, tôi thấy rất vui và bổ ích, tinh thần sảng khoái hơn nhiều. Đến với câu lạc bộ Quan họ, tôi không chỉ được học hát và giao lưu văn nghệ, đây còn là một sợi dây tạo sự gắn kết giữa mọi người dân trong thôn với nhau, không chỉ trong sinh hoạt văn hóa mà còn cả trong cuộc sống thường ngày, bà Kiềm chia sẻ.

Câu lạc bộ không chỉ là nơi mọi người giao lưu văn hóa, văn nghệ, đây còn là nơi mọi người có thể san sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Ngoài những giá trị nhân văn kể trên, câu lạc bộ còn làm sôi nổi các phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương. Mỗi dịp lễ Tết, kỷ niệm, chính quyền địa phương xã Cao Đức thường tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ, nhằm tạo điều kiện cho các câu lạc bộ của địa phương có dịp giao lưu, trao đổi, học hỏi lẫn nhau, nâng cao giọng hát và tìm kiếm những tài năng Quan họ, giúp họ có điều kiện phát triển, góp phần lưu giữ, bảo tồn những nét đẹp văn hóa của Dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Trong điều kiện hội nhập, với sự xuất hiện nhiều thể loại âm nhạc khác nhau, dân ca nói chung và Dân ca Quan họ Bắc Ninh nói riêng cần được bảo tồn, phát triển. Sự hoạt động hiệu quả của câu lạc bộ Quan họ không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với các thành viên trong nhóm, bởi đây là một sân chơi bổ ích giúp các thành viên vừa được vui chơi, giải trí và giao lưu với các câu lạc bộ khác trong địa phương và các địa phương lân cận, mà còn là một trong những mô hình góp phần không nhỏ vào việc tìm kiếm và nuôi dưỡng tình yêu, sự tinh hoa của làn điệu Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong thế hệ trẻ.

Văn Đức

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc - Gửi bình luận

Gửi bình luận

reset captcha

Gửi bình luận Nhập lại