(BTV) – Chùa Dạm là ngôi chùa cổ nằm trên núi Dạm (phường Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Chùa thờ Phật và Nguyên Phi Ỷ Lan (dân gian gọi bà là Tấm nên cũng gọi là chùa Bà Tấm). Chùa còn có nhiều tên gọi: Chùa Dạm, Lãm Sơn, “Thần Quang tự”, “Cảnh Long Đồng Khánh”, “Đại Lãm Tự”. Đây là trung tâm Phật giáo lớn và cũng là một trung tâm của thần thoại, cổ tích, dân ca và lễ nghi tín ngưỡng.
Núi Dạm còn gọi là Đại Lãm Sơn, cùng một hệ với các núi bên vùng Tiên Du và ở vào đoạn cuối dãy. Trên đỉnh núi Dạm có “Bàn cờ tiên” bị lật ngược, dấu tích trừng phạt của Thiên cung đối với các nàng tiên mải mê nơi hạ giới. Giờ đây, trèo lên đỉnh núi, dù không được gặp Tiên nhưng phóng xa tầm mắt ngắm nhìn phong cảnh vùng đất nơi đây cũng chẳng khác nào là nơi tiên cảnh. Thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất này mà theo cách gọi của dân gian là đất tứ linh; Rồng uốn lượn một dải từ Sơn Dương, Tự, Trung và Triều Thôn; Phượng đậu ở Sơn Đông và Đa Cấu; Lân đứng ở Sơn Nam và Đông Dương; Rùa ngoi đầu lên từ đồng ruộng nằm cạnh Nga Hoàng. Từ xưa ở đây có tiếng là nơi danh lam thắng cảnh, có suối chảy vòng quanh núi, cây cối xum xuê cả vùng như một bức tranh vẽ, rất nhiều thi nhân đã về đây ca ngợi đề thơ.


Toàn cảnh chùa Dạm.
Theo cuốn “ Các di tích lịch sử văn hóa Bắc Ninh” ghi lại. Chùa do đích thân Nguyên Phi Ỷ Lan chọn địa điểm và hưng công xây dựng từ mùa đông năm 1086 đến năm 1094 thì hoàn thành và được coi là “Trung tâm Phật giáo lớn nhất của nước Đại Việt”. Đây là một công trình quan trọng nên vua Lý Nhân Tông rất quan tâm chăm lo và khi chùa hoàn thành đã ban tên “Cảnh Long Đồng Khánh”.
Chùa Dạm bị phá hủy hoàn toàn trong kháng chiến chống Pháp, nên chỉ còn lại những dấu tích: các lớp nền đá nguyên gốc, cột đá chạm hình rồng, gạch ngói, đất nung có chạm rồng và một số hình tượng các con thú bằng đất nung, giếng bống, pho tượng Hoàng Thái hậu Ỷ Lan và vua Lý Thánh Tông… Di vật trứ danh nhất ở chùa Dạm còn lại là một cột đá cao 5m (không kể phần ngọn đã bị gãy nát), kết cấu hai phần: khối hộp vuông ở dưới gắn với lớp đá mạ và khối trụ tròn ở trên có đường kính 1,5m. Đây được xem là công trình điêu khắc kỳ vĩ với nghệ thuật chạm khắc đôi rồng đuôi giao nhau, thân uốn lượn mềm mại quanh cột, đầu rồng nghểnh cao chầu vào viên ngọc đạt đến mức độ tinh xảo.




Các hạng mục chùa mới có quy mô kiến trúc đồ sộ được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ lim, trang trí tinh xảo bằng kỹ thuật truyền thống.
Chùa xưa có quy mô lớn, các hạng mục công trình đều được dựng đặt trên cao, dốc dần xuống chân núi là các bậc tam cấp lớn đè bằng tầng tầng lớp lớp những phiến đá nhám được gọt đẽo công phu nghệ thuật, hình hộp chữ nhật.
Tầng nền thứ nhất chỉ còn bãi đất rộng rãi gọi là “Bãi Hội”, trước dây hàng năm cứ đến ngày 8 tháng 9 (âm lịch) nhân dân 18 xã trong huyện Võ Giàng vẫn rước về đây.
Ở tầng nền thứ 2, hai bên cửa giữa có hai khu đất đối nhau đều được kè xung quanh bằng đá chạm hình sóng nước quen thuộc thời Lý. Khu đất hình tròn ở ngay chính giữa được dựng đứng thẳng một cột đá lớn liền khối cao trên 5m chạm khắc rất công phu nghệ thuật – biểu tượng cao đẹp và tín ngưỡng văn hóa cổ của người Việt (cột biểu – cây vũ trụ)
Ở lớp thứ 3 tầng nền, có một tấm bia đá nhỏ cao 0.65m, rộng 0.46m, khắc năm 1696 ghi bài văn “Đại Lãm thần quang tự tân tạo Hộ pháp”.
Trải qua trường kỳ lịch sử, chùa được trùng tu tôn tạo nhiều lần. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa bị dỡ bỏ. Sau khi hòa bình lập lại, năm 1986, nhân dân địa phương xây dựng 3 gian chùa nhỏ trên nền đất cũ để thờ Phật.


Hệ thống cửa bức bàn mở cả 7 gian, 2 hồi xây tường gạch trổ cửa kiểu chữ “Thọ”.
Không để quốc đại cổ tự hùng vĩ xưa hoang hóa thành phế tích, tháng 8 năm 2015, tỉnh Bắc Ninh phối hợp các nguồn vốn xã hội hóa quyết định xây mới chùa Dạm dựa trên tinh thần đại danh thắng xưa. Dự án Bảo tồn và phục dựng chùa Dạm với diện tích 198 ha, tổng vốn đầu tư 260 tỷ đồng, trong đó phần lớn là nguồn vốn xã hội hóa. Chùa Dạm được trùng tu tôn tạo, với quy mô to lớn, khang trang tố hảo, cùng với hệ thống tượng thờ và đồ thờ tự tại chùa giá trị lớn về nghệ thuật, thẩm mỹ đại diện cho đặc trưng mỹ thuật mỗi thời kỳ.



Hệ thống tượng phật được đúc bằng đồng thếp vàng.
Hiện tòa Tam Bảo có kết cấu mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Công (I); bao gồm các công trình như: Tiền đường, Thiêu hương và Thượng Điện. Toàn bộ công trình làm bằng gỗ lim to chắc khỏe đồ sộ.
Tiền đường 7 gian 2 chái 4 mái đao cong; có kết cấu vì nóc kiểu “chồng rường giá chiêng”, vì nách “chồng rường bán giá chiêng”. Nối giữa tiền đường và thượng điện là 3 gian thiêu hương. Thượng điện 3 gian 2 chái 4 mái đao cong, có kết cấu vì tương tự tòa Tiền đường, có hệ thống hiên chạy bao quanh công trình chính.



Hoành phi, câu đối, hương án, cửa võng… được các nghệ nhân Bắc Ninh tạo tác tinh xảo đồng bộ sơn son, thiếp vàng lộng lẫy.
Các hạng mục chùa mới có quy mô kiến trúc đồ sộ được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ lim, đắp vẽ, trang trí tinh xảo bằng kỹ thuật truyền thống. Hệ thống cửa bức bàn mở cả 7 gian, 2 hồi xây tường gạch trổ cửa kiểu chữ “Thọ”.
Ngoài ra, chùa còn có Nhà Tổ, nhà Mẫu xây dựng đăng đối hai bên, mỗi tòa 3 gian 2 chái 4 mái đao cong và bộ khung gỗ chịu lực và có kết cấu tương tự nhau.



Cột đá có niên đại từ thế kỷ XI, được công nhận là bảo vật Quốc gia.
Hiện chùa còn bảo lưu tại cột đá chùa Dạm có niên đại từ thế kỷ XI, đã được công nhận là bảo vật Quốc gia có giá trị về lịch sử, mỹ thuật, thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu khoa học về nghiên cứu, tìm hiểu. Trong chùa còn có các tượng thờ và các đồ thờ tự đều mới tạo tác thế kỷ XXI như: 03 tượng Tam Thế, bộ tượng Dida Tam Tôn, bộ tượng Hoa Nghiêm Tam Thánh, 01 tượng Ngọc Hoàng, 01 tượng Di Lặc, 01 tượng Quan âm, tượng Hộ Pháp, tượng Đức Ông, tượng Thánh Hiền, tượng Bát Bộ Kim Cương, tượng Thập Điện Diêm Vương, tượng bà Nguyên Phi Ỷ Lan, tượng Vua Lý Nhân Tông, Hoành phi, câu đối và các đồ thờ tự…..

Nhà thờ Tổ.



Các hệ thống tượng trong nhà thờ Tổ và nhà thờ Mẫu.
Chùa tòa lạc trên lưng chừng phía Đông - Nam núi Dạm, nhìn xuống cánh đồng trước mặt là núi Con Rùa, xa xa là sông Tào Khê và sông Thiên Đức. Trước cửa chùa có một con mương chạy từ chân núi ra bờ sông gọi là ngòi Con Tên. Giống như hầu hết các ngôi chùa trên làng quê Việt Nam, chùa Dạm là công trình tôn giáo khởi dựng lên từ lâu đời để thờ Phật, thờ Mẫu, thờ các vị sư tổ. Ngoài ra, chùa thờ bà Nguyên Phi Ỷ Lan (người có công xây dựng ngôi chùa vào thời Lý), chùa còn là trung tâm sinh hoạt tôn giáo đạo Phật của nhân dân.

Hội chùa diễn ra hàng năm vào ngày 8 tháng 9 (âm lịch). Nhà chùa cùng toàn thể nhân dân sắm sửa lễ vật cúng phật cầu bình an, sức khỏe và may mắn. Ngoài ra vào các ngày như: lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, tuần rằm, mùng một, dịp lễ hội truyền thống, Tết nguyên đán, các phật tử, các vãi và quý khách thập phương về dự lễ hội chùa.
Chùa Dạm được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hoá - Quyết định số 29 -VH/QĐ ngày 13/01/1964.
Văn Đức