(BTV) Trên thềm phù sa Kinh Bắc, bao đời nay, con người đã dày công vun đắp, làm nên bao giá trị vật chất và tinh thần, tô đẹp thêm cho vẻ đẹp mỗi vùng quê. Trong ngày đầu xuân mới, với bao cảm xúc và hy vọng đang dâng tràn trong thiên nhiên đất trời và trong lòng mỗi người, chúng ta sẽ cảm nhận được ngay vẻ đẹp đó khi điền dã tới một vùng văn hóa ven sông Đuống, và gặp gỡ những con người đã, đang và sẽ tiếp tục góp sức mình làm nên một hòa sắc đẹp trong mùa xuân trên mảnh đất quê mình

Dòng Sông Đuống kiêu hãnh, chứng nhân lịch sử trong hoài niệm của thi sĩ đa tài Hoàng Cầm
Bắc Ninh, quê hương của những dòng sông: sông Đuống nghiêng nghiêng, sông Cầu thơ mộng, sông Tiêu tương vi vút tiếng sáo chàng Trương, sông Tào Khê dìu dặt ca dao, sông Dâu huyền thoại… Những dòng sông không chỉ là nước lành, là phù sa, nuôi lúa trên đồng, chín đỏ nong tằm, xanh dâu ngoài bãi, nuôi sức vóc con trai, má hồng con gái,.. mà còn là mạch nguồn gợi niềm hứng khởi cho thi ca nghệ thuật, là dòng chảy của văn hóa bồi tụ qua tầng lớp thời gian...
Đó hoàn toàn không phải là sự gán ghép chủ quan suy nghĩ của chúng tôi – những người đang háo hức trước mùa xuân mới, với bao đổi thay trên quê hương mình. Mà chính từ những gì mà chúng tôi đã ghi chép và kể lại với các bạn sau đây, về cuộc sống và vẻ đẹp trên nền một phù sa ấy, bởi tất cả đã và đang làm nên những hòa sắc đẹp cho bức tranh quê hương thấm đẫm hồn quê Kinh Bắc.
Hòa sắc ấy, chúng tôi đã thấy từ một làng quê nằm bên dòng sông Đuống. Đi trên triền đê sông, từ cầu Hồ về tới làng tranh chỉ chừng 2 cây số. Đường đê trải nhựa khiến những lớp hậu sinh chúng tôi thật khó hình dung câu ca xưa về làng, khi họ nói: Trăm thứ tội không bằng cái lội Đông Hồ.
Người trong vùng cũng như trong cả nước vẫn gọi nơi sản sinh ra những tờ tranh điệp đi vào ký ức nhớ thổn thức trong lòng bao người này bằng tên Đông Hồ, Đông Mại, hay làng Mái. Dẫu hiện tại, làng được mang tên Đông Khê, thuộc xã Song Hồ, Thuận Thành. Câu ca xưa vẫn đó:
Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có ao tắm mát có nghề làm tranh
Rất nhiều người, có thể chưa một lần đặt chân tới làng tranh này, nhưng cũng thuộc câu ca ấy. Bởi ngày xưa... chí ít ra là cái ngày xưa ấy cũng cách đây chừng cả trăm năm, nhà nhà mỗi dịp xuân đến, Tết về, ai mà chẳng muốn có vài tờ tranh làng Hồ để treo trên tường chơi Tết. Mà tranh làng Hồ thì được sản xuất nhiều lắm. Câu ca xưa nhắc rằng: Dù ai buôn bán trăm nghề – Nhớ đến tháng Chạp thì về mua tranh... để mọi người cùng rủ nhau về làng Hồ mua tranh chơi ngày Tết.
Thăm lại làng Hồ đầu xuân nay, không có tiếng vỗ khuôn in tranh rộn ràng như sử làng vẫn ghi, bởi cả làng giờ đã thưa vắng người làm tranh. Giữa làng nghề thủa xưa giờ tưng bừng sắc màu của giấy màu và những sản phẩm hàng mã, sân nhà nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế dường như quang nhẹ hơn với những bản giấy dó vừa được quét điệp đang hong khô trong nắng gió của mùa xuân vừa đến.
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế chẳng phải là thợ tranh đại diện duy nhất của làng, nhưng ông được mọi người trân trọng chính bởi sự say mê với vốn cổ đường nét và sắc màu dân tộc tưng bừng trên những tờ tranh điệp của quê hương. Sau bao năm tháng lao tâm, vất vả, ông đã gom góp được gần như trọn vẹn những bản khắc làm tranh của bao thế hệ người làng ngày trước, với số lượng tới hàng ngàn bản khắc. Và cùng với sản xuất tranh ngay cả những lúc làng nghề đã mai một, ông cũng tích cực giới thiệu, quảng bá cho dòng tranh quê hương tới bạn bè trong nước và quốc tế.

Vẫn cặm cụi, lặng lẽ như thế, ông cùng người vợ già, những cô con gái, con dâu đang miệt mài với công việc của những người thợ làng tranh. Dường như, thế giới náo nức ngoài kia không mấy tác động lên khoảng lặng của những tâm hồn đang dồn vào những đường nét, màu sắc, để lên tranh.
Câu chuyện về một làng tranh đặc sắc và độc nhất của Bắc Ninh giờ lại sống dậy qua lời kể với sự say mê cũng như trân trọng nghề của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế với chúng tôi – những lớp hậu sinh đang lần tìm về cội.
Cũng theo dòng hồi ức về làng tranh, trong cuộc trò chuyện với anh Nguyễn Hữu Quả, con trai thứ của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, người đã cùng nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế gắn bó, giữ và phát triển nghệ tranh của làng, chúng tôi được nghe nhiều chuyện về lịch sử làng nghề, những thăng trầm, và cả những giá trị muôn thủa của dòng tranh dân gian đặc sắc bậc nhất Việt Nam.
Tranh Đông Hồ in bằng tay trên bản khắc nổi. Mỗi màu in có ván khắc riêng. Giấy in là giấy dó, được đặt riêng từ làng giấy Đống Cao (Yên Phong), được phủ lên bề mặt một lớp điệp trắng óng ánh, rất độc đáo.
Tranh Đông Hồ xưa thường chỉ bán trong dịp Tết Nguyên Đán, nên cả hình thức (nét vẽ, màu sắc) lẫn nội dung đều rất hợp với tiết xuân, và phản ánh khát vọng dân gian được sống đầy đủ, sung túc. Hàng năm, mỗi dịp Tết đến, những bức tranh khắc gỗ làng Hồ lại xuất hiện, góp thêm vẻ vui tươi, rực rỡ đón mừng xuân mới. Tờ tranh trở thành nhu cầu tinh thần bên cạnh nhu cầu vật chất của mỗi gia đình nông dân ở nông thôn Việt Nam – khi xưa vốn rất nghèo - trong dịp Tết
Tết về nhớ bánh chưng xanh
Nhớ tràng pháo chuột nhớ tranh lợn gà
Bằng hình ảnh nghệ thuật, tờ tranh đã tái tạo các mặt của cuộc sống xã hội, phản ánh chân thực cuộc sống của nhân dân, từ lao động sản xuất, đến sinh hoạt vui chơi, hội hè, hoặc biểu đạt ước mong hạnh phúc của nhân dân, như gia đình đông vui, ấm no, đến xã hội thanh bình thịnh trị.
Với óc sáng tạo nghệ thuật, trí tưởng tượng phong phú, những nghệ nhân làng tranh Đông Hồ đã sáng tạo nên nhiều bức tranh độc đáo, trong đó, có những bức tranh về đề tài chú Mèo, con vật vô cùng gần gũi và thiết thân với đời sống mỗi gia đình nông dân Việt Nam. Về đề tài này, ông Chế cho hay:
Dẫu hiện tại, tranh điệp làng Hồ chưa thể trở lại như thời cực thịnh xưa kia, nhưng dòng tranh mang đậm bản sắc nghệ thuật và tâm hồn dân tộc này đã được thổi nguồn sinh khí mới, tiếp tục khẳng định được sức sống qua thời gian. Bằng sự nhiệt tâm của mình, ông Chế cùng những người thợ tranh còn lại của làng đã và đang giữ gìn và quảng bá ngày càng sâu rộng vẻ đẹp của dòng tranh quê hương tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Thời gian vẫn miệt mài trôi. Như dòng sông Đuống nghiêng nghiêng bên làng Hồ trong câu thơ của thi sỹ đất Lạc Thổ Hoàng Cầm, tranh làng Hồ đã bồi tụ cho phù sa văn hoá Kinh Bắc màu mỡ, và ánh sắc lung linh trong tâm thức bao người. Và người địa phương vẫn ý thức cho việc bảo tồn và gìn giữ dòng tranh quê. Để mỗi khi Tết đến, xuân về, những chú lợn, con gà, chú mèo, những bé trai, bé gái mang niềm mong cầu “vinh hoa” “phú quý”, những tùng trúc cúc mai, những cô Tố nữ , hay những đám cưới chuột tưng bừng rộn rã.. và biết bao màu sắc lung linh của tranh điệp làng Hồ sẽ mãi reo vui cùng nắng gió và sắc màu tươi tắn của xuân tràn.
Quang Thuận