Lễ hội làng Diềm: Đến hẹn lại lên của người Quan họ

(BTV) Đến hẹn lại lên, đến ngày mồng 6 tháng 2 âm lịch hàng năm, du khách thập phương trong và ngoài tỉnh lại tìm về làng Viêm Xá, xã Hoà Long, thành phố Bắc Ninh để dự lễ hội làng Diềm – nơi thờ Đức Vua Bà, Thuỷ tổ khởi sinh ra Quan họ. Không hoành tráng như hội Lim song, hội làng Diềm đã để lại trong lòng người trẩy hội những ấn tượng sâu sắc về một lễ hội đậm đà chất Quan họ.

Nhân dân làng Diềm tiến hành lễ rước Đức Vua Bà.

Trong số hơn 400 các lễ hội diễn ra trên quê hương Bắc Ninh –Kinh Bắc, có lẽ lễ hội Đền Vua Bà được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng 2 âm lịch tại thôn Viêm Xá hay còn có tên Nôm là làng Diềm – xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh là một trong những lễ hội nổi bật và để lại nhiều ấn tượng trong tâm trí, những du khách thập phương đến đây trẩy hội nhiều nhất. Bởi đây không chỉ là một trong bốn tiết lệ truyền thống của làng Diềm xưa mà còn là lễ hội đặc trưng nhất, thể hiện sự tri ân, tưởng nhớ người có công khai sinh ra những làn điệu Dân ca Quan họ Bắc Ninh. 

Tuy ngày mồng 6 mới là chính hội song thực ra năm nào cũng vậy, hội làng Diềm đã bắt đầu từ trước đó một ngày với nghi thức mở cửa đền Vua Bà. Ngay từ chiều ngày 5/2 âm lịch, dân làng đã tổ chức lễ mở cửa đền, lễ dâng hương và lễ cầu mưa rửa đền. Tương truyền, Đức Vua Bà là công chúa - con gái Vua Hùng. Vừa đến tuổi cập kê, nhà Vua cho tổ chức hội cướp cầu để kén chọn phò mã; có điều Bà đã không chấp nhận sánh duyên cùng người thắng cuộc mà lại xin ân điển của Vua cha để được chu du sơn thủy một thời gian. Khi bà cùng các thị nữ vừa ra khỏi kinh thành thì một cơn mưa lớn ập đến, giông gió nổi lên dữ dội và một cơn lốc đã cuốn phăng cả đoàn người lên trời rồi giáng hạ xuống ấp Viêm Trang (thôn Viêm Xá ngày nay). Vốn nơi đây là một vùng đất hoang vu với cây đước và lau sậy um tùm rậm rạp, bà đã cho đắp bờ, phá đất, lập nên ruộng đồng, làng xóm và dựng vợ gả chồng cho mọi người. Bên cạnh việc dạy dân cách làm ruộng, trồng dâu, nuôi tằm, trồng mía, kéo mật… Bà còn sáng tác nhiều bài ca và dạy cho các nam thanh nữ tú nghệ thuật ca hát. Do vậy khi bà mất, nhân dân đã lập đền thờ và tôn bà là Đức Vương Mẫu, là Thành hoàng làng. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và thời gian, đến nay, hàng năm, cứ đến ngày mùng 6 tháng 2 âm lịch, nhân dân thôn Viêm Xá vẫn không quên tổ chức lễ hội truyền thống nhằm tưởng nhớ đến công ơn của Vua Bà –người đã khai sinh ra những làn điệu dân ca Quan họ mượt mà, ấm áp và sâu lắng.

Tại lễ khai mạc hội làng Diễm sau màn dâng hương hoa phẩm vật quê hương lên Đức Vua Bà, cầu xin cho làng mình mở hội hát ngày một đông. Lễ tế thần bao giờ cũng có hát Quan họ ca ngợi công đức Vua Bà và cầu cho người khang vật thịnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Sau lễ tế, dân làng dựng và diễn ở ngoài trời sự tích “Bà Chúa phát lệnh mở hội Xuân”. Trong diễn tích có cả những câu thuộc hệ thống giọng lẻ, giọng vặt mang nội dung giao duyên nam nữ. Tiếp đến là lễ rước kiệu Vua Bà quanh làng, tượng trưng cho ngày xưa Vua Bà đã du ngoạn đặt chân lên vùng đất Viêm Xá. Những hạt mưa xuân tháng Hai rơi lất phất, hoà vào tiếng trống hội rộn ràng như giục giã bước chân du khách tìm về với lễ hội. Và cũng giống như mọi lễ hội làng quê của vùng Bắc Ninh – Kinh Bắc, hội Diềm vẫn giữ những nét đặc trưng như trò đu tiên, chọi gà, vật, cướp cầu, cờ tướng...
 
Hát Quan họ trên thuyền.

Có thể nói, đến với hội Diềm, du khách sẽ được đằm mình vào một không gian đậm đặc chất Quan họ, bởi mọi hoạt động trong lễ hội đều có liên quan trực tiếp đến Quan họ. Ngoài ao làng, nơi đền Cùng hay là trước cửa đền Vua Bà, ở đâu đâu ta cũng có cũng có thể nghe thấy những giai điệu đằm thắm, mượt mà của những bài Quan họ cổ với đầy đủ các yếu tố “vang -rền - nền - nảy”. Với chủ đạo là ca hát Quan họ xuyên suốt trong cả phần lễ và phần hội, lễ hội tôn vinh Đức Vua Bà từ bao đời không chỉ gói gọn trong làng Quan họ Viêm Xá mà đã trở thành nét văn hóa độc đáo trên quê hương Kinh Bắc, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” rất đáng trân trọng trong truyền thống dân tộc… 

Về Bắc Ninh –Kinh Bắc đi trẩy hội làng Diềm năm nay có thể ví như một cuộc hành hương về với cội nguồn làng Việt cổ, mà ở đó trong mỗi ngóc ngách của đời sống hôm nay, vẫn còn âm vang những câu ca Quan họ với chuẩn mực “vang, rền, nền, nảy”, đem lại cho người nghe nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau đến lạ thường. Du khách thập phương đến đây trẩy hội khi ra về vẫn thấy lòng  bịn rịn, vấn vương bởi câu hát “Người ơi, người ở đừng về”.
Mai Quế

Ý kiến bạn đọc - Gửi bình luận

Gửi bình luận

reset captcha

Gửi bình luận Nhập lại