Điều tuyệt vời của thể thao

(BTV) Sôi nổi, hào hứng, khát khao chiến thắng và thi đấu với tinh thần tràn đầy năng lượng, đoàn kết là tất cả những gì hiện hữu trong ngày hội thể thao người khiếm thị được Hội Người mù tỉnh tổ chức vừa qua tại quảng trường Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (thành phố Bắc Ninh). Lần đầu tiên, người khiếm thị được tự mình thử sức, trải nghiệm với thể thao. Qua đó, chương trình đã để lại nhiều xúc cảm, ấn tượng đẹp trong lòng người khiếm thị, cổ động viên và đội ngũ tình nguyện viên.

Nỗ lực thi đấu với niềm tin chiến thắng của các VĐV khuyết tật
 trong ngày hội thể thao.

Sau phần khai mạc, các vận động viên (VĐV) bước vào môn thi điền kinh chạy 600 mét tại quảng trường Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc. Hơn 100 VĐV được gắn kết với các tình nguyện viên bằng sợi dây đỏ in dòng chữ “những bước chân kỳ diệu”, thể hiện sự gắn kết, kết nối cũng như góp phần tăng thêm sức mạnh cho các VĐV. Sau tiếng còi khởi động của trọng tài, dưới sự cổ vũ nồng nhiệt của các tình nguyện viên và khán giả, những VĐV khiếm thị trong đó có người lớn tuổi, trung niên, phụ nữ và cả thanh, thiếu niên. Có những người khuyết tật chưa bao giờ chạy thậm chí không dám nghĩ là mình có thể chạy. Nhưng khi nhập cuộc, họ đều chạy bằng sự nỗ lực, quyết tâm vô cùng lớn. Có vận động viên đã vấp ngã nhưng họ lại đứng dậy và tiếp tục chạy, có người thấm mệt, những giọt mồ hôi lấm tấm lăn trên trán nhưng hiện hữu trên khuôn mặt họ không hề tỏ ra mệt mỏi hay chùn bước, muốn bỏ cuộc. Thay vào đó là nụ cười vẫn nở trên môi, ai cũng phấn khởi, tự tin và vô cùng hào hứng. 

Được trải nghiệm, đồng hành cùng các vận động viên khiếm thị là sự góp sức không nhỏ của các tình nguyện viên. Đó là chìa khóa làm nên thành công của chương trình ngày hội thể thao người khiếm thị. Chương trình đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng mỗi tình nguyện viên. Chị Lê Thị Tuyết, 1 trong 60 tình nguyện viên đến từ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Chi nhánh Bắc Ninh) chia sẻ: “Khi được hỗ trợ, tiếp sức cùng các VĐV là người khiếm thị, tôi cảm thấy rất xúc động và cảm phục họ. Chương trình hôm nay đã cho tôi một cái nhìn khác về người khiếm thị, dẫu mang trong mình khiếm khuyết nhưng họ vẫn luôn lạc quan, tin tưởng ở tương lai và khát khao hòa nhập. Bản thân tôi thấy mình thật may mắn khi là một người bình thường, mong rằng xã hội hãy tiếp tục quan tâm và giúp đỡ, động viên người khuyết tật không chỉ về vật chất mà còn là tinh thần để mỗi người khuyết tật có thể tự tin, vững vàng hơn trong cuộc sống”. 

Kéo co là một trong các nội dung thi trong chương trình. Các VĐV chia thành 8 đội thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố. Mỗi đội thi gồm 5 VĐV và 2 tình nguyện viên. Không nhìn thấy đối phương, chỉ có thể nắm chặt vào sợi dây thừng và dồn cả sức lực và ý chí của mình vào sợi dây. Tại mỗi lượt đấu, họ nhận được sự cổ vũ, động viên nhiệt tình của hàng trăm tình nguyện viên và cổ động viên. Vì là phần thi có tính tập thể, dường như mỗi vận động viên khiếm thị càng cảm thấy quyết tâm hơn, họ kề vai, sát cánh và hỗ trợ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Kết thúc phần thi kéo co, dẫu có những đôi tay, đôi chân rớm máu nhưng có lẽ, nỗi đau ấy chẳng là gì so với niềm vui tinh thần, niềm vui khi mỗi người khiếm thị được chiến thắng chính bản thân mình. Anh Bá Đình Tĩnh, Chủ tịch Hội Người mù huyện Lương Tài phấn chấn: Đội Lương Tài rất vui mừng khi vừa giành giải Nhất nội dung kéo co. Đội chúng tôi tham gia ngày hội thể thao lần này có 15 hội viên với tinh thần quyết tâm, đoàn kết. Thực sự ngày hội là sân chơi bổ ích giúp người khiếm thị được nâng cao tinh thần, thể chất và có thêm những người bạn mới để hiểu và cảm thông với nhau nhiều hơn…
 
Sự đấu trí gam go, kiên cường của các VĐV khuyết tật với người sáng mắt ở bộ môn Cờ vua.

Không sôi nổi, náo nhiệt như 2 phần thi trước, song không vì thế mà môn thi Cờ vua, Cờ tướng kém hấp dẫn. Môn thi này có sự tham gia của gần 10 người khiếm thị đấu với người sáng mắt bình thường. Có những phần thi ngang tài ngang sức và phải khá lâu mới tìm được người chiến thắng. Hoà chung với không khí thi đấu đầy nhiệt huyết dưới sân là chương trình giao lưu âm nhạc và biểu diễn của ban nhạc “Âm vang niềm tin”. Những bản nhạc, lời ca, tiếng hát của các thành viên trong ban nhạc khiến cho không khí của chương trình trở lên vui tươi, rộn ràng hơn, đồng thời tiếp thêm lửa lạc quan cho các VĐV thi đấu. 

Kết thúc chương trình, Ban Tổ chức trao những giải thưởng Nhất, Nhì, Ba cho các cá nhân và đội dự thi. Song có lẽ, với mỗi người khiếm thị được tham gia chương trình đã là một phần thưởng lớn đối với họ. Ông Nguyễn Xuân Huế, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức ngày hội thể thao chia sẻ: Để có được ngày hội thể thao cho người mù, những cán bộ của Hội và những người đồng hành cùng chương trình thật sự vất vả. Bởi, ngoài công tác tuyên truyền cho các hội viên tham gia, chúng tôi còn phải tuyên truyền để người thân, gia đình các VĐV ủng hộ, hưởng ứng. Vì là người khiếm thị nên trong mỗi môn thi cần rất nhiều tình nguyện viên, song được sự giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức tình nguyện, các doanh nghiệp, công ty nên hội thi đã thành công ngoài sự mong đợi mang đến niềm vui, hạnh phúc cho người khiếm thị.

Câu nói "Thể thao thay đổi cuộc sống" quả thật không sai, từ những người khiếm thị có phần mặc cảm, nhút nhát, không dám hòa nhập với bạn bè, xã hội nhưng sau cuộc thi, dường như những rào cản ấy đã biến mất, điều còn lại là sự tự tin, tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau. Cuộc thi dẫu đã khép lại, nhưng tương lai phía trước vẫn đang mở ra với người khiếm thị và trên bước đường tương lại ấy, bên cạnh những nỗ lực, sẵn sàng vượt qua khó khăn, mặc cảm của bản thân, người khiếm thị vẫn rất cần những bàn tay, những tấm lòng trong xã hội để tiếp sức, kết nối họ gắn bó, hòa nhập với cộng đồng và trở thành những người có ích.
Mai Quế

Ý kiến bạn đọc - Gửi bình luận

Gửi bình luận

reset captcha

Gửi bình luận Nhập lại