Đẩy mạnh phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa

(BTV) Xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa là nhằm tạo dựng môi trường sống văn hóa - văn minh, góp phần nâng cao đời sống vật chất - tinh thần cho nhân dân. Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, thời gian qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH), làng văn hóa (LVH) tại huyện Gia Bình đã thu hút đông đảo các gia đình, cộng đồng tham gia thực hiện, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

 

4

Nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang

Năm 2019 là năm đầu tiên thực hiện công nhận GĐVH, LVH theo Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ với nhiều điểm mới như: Tiêu chuẩn đạt GĐVH có 3 nhóm với 24 tiêu chí (trước đây thực hiện theo Thông tư 12/2011/TT-BVHTTDL có 3 nhóm với 11 tiêu chí); 7 nhóm trường hợp không được xét tặng GĐVH; tiêu chuẩn danh hiệu Khu dân cư văn hóa bao gồm 5 nhóm nội dung với 27 tiêu chí; 3 trường hợp không xét tặng danh hiệu Khu dân cư văn hóa. Sau khi Nghị định số 122 được ban hành, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (ĐSVH) của huyện đã xây dựng kế hoạch, ban hành các chương trình phối hợp, công văn, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung của Nghị định mới.

Trong quá trình triển khai phong trào xây dựng, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH” các xã, thị trấn trong huyện Gia Bình đều xây dựng kế hoạch, mục tiêu và phương hướng cụ thể, thiết thực, phù hợp với thực tế. Các địa phương đã lồng ghép xây dựng vào các phong trào thi đua như: “Phong trào xây dựng người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến”, “Gia đình văn hoá”, “Làng văn hóa”, “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào thi đua “Học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và các loại tội phạm xã hội, thực hiện nếp sống văn minh, quy ước các thôn, làng được đông đảo người dân đồng tình hưởng ứng.

Hiện nay, trên địa bàn toàn huyện có 29.397/30.764 hộ gia đình đăng ký phấn đấu đạt GĐVH đạt 95,6% trên tổng số hộ. Có 74/74 thôn, làng đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu “Làng văn hóa” đạt 100%. Trong đó, có 22 làng đạt làng văn hóa 10 năm liên tục trở lên, tiêu biểu như các làng: Đình Than, Nhân Hữu, Lê Lợi, Ngô Cương đạt làng văn hóa từ 20 đến 22 năm liên tục; 42 làng đạt làng văn hóa liên tục từ 5 năm đến 9 năm. Đầu năm 2021, có 106/110 cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đăng ký xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa. 13/13 xã đăng ký xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới đạt 100%; 01 thị trấn đăng ký đạt chuẩn văn minh đô thị. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và mừng thọ có nhiều chuyển biến tích cực. Duy trì thực hiện có hiệu quả các mô hình “tuyến đường tự quản”, “ 5 không 3 sạch” ... Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa và hoạt động văn hóa được tăng cường…

2

Ngày nay, quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh chóng. Do tác động bởi mặt trái của cơ chế thị trường khiến cho các giá trị văn hoá truyền thống ở mỗi làng quê đang đứng trước nguy cơ mai một, biến dạng. Ở một số nơi, lối sống thực dụng len lỏi vào đời sống cộng đồng dân cư, gây rạn nứt, phá vỡ tình cảm bền chặt và mối quan hệ khăng khít giữa các gia đình, thôn, xóm... Trước tình hình đó, các địa phương đã triển khai sâu rộng và hiệu quả phong trào xây dựng LVH, GĐVH để đảm bảo kết hợp hài hòa giữa tiếp thu các giá trị văn hóa tiên tiến với gìn giữ bản sắc văn hoá làng quê. Các xã, thị trấn kế thừa có chọn lọc những giá trị văn hóa đặc sắc, những quy ước chung giữa các thôn, làng, bổ sung thành những quy ước nếp sống văn hoá hiện đại, lành mạnh được nhân dân đồng tình ủng hộ. Bằng việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ở các làng quê kết hợp tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hóa hiện đại, các địa phương trong huyện đã hội nhập một cách chủ động, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, khắc phục đẩy lùi những thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội, hướng con người tới lối sống tốt đẹp, văn minh.

3

Để phong trào xây dựng LVH, GĐVH phát triển bền vững, thời gian tới cần tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong công tác xây dựng đời sống văn hoá; thực hiện tốt cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành thành viên Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH” từ huyện đến cơ sở. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thấy được ý nghĩa tốt đẹp, lợi ích thiết thực của phong trào xây dựng LVH, GĐVH. Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH” các cấp cần tăng cường kiểm tra, hướng dẫn bình xét phân loại, công nhận và khen thưởng danh hiệu LVH, GĐVH ở các địa phương, cũng như xem xét thu hồi danh hiệu ở những nơi không còn đảm bảo tạo động lực để đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào xây dựng LVH, GĐVH.

Văn Đức

Ý kiến bạn đọc - Gửi bình luận

Gửi bình luận

reset captcha

Gửi bình luận Nhập lại