(BTV) Bắc Ninh – Kinh Bắc nổi tiếng là đất trăm nghề, trong đó có nghề làm hương đen ở làng Chóa, xã Dũng Liệt (Yên Phong). Đối với người dân nơi đây, nghề làm hương đen không chỉ là làm kinh tế đơn thuần mà còn để giữ nghề của ông cha để lại. Nghề làm hương giờ đã trở thành hồn cốt của người dân làng Chóa.
Theo dấu mùi hương
Chả ai biết nghề làm hương đen có từ bao giờ, chỉ biết rằng đây là nghề cha truyền con nối, truyền từ đời này sang đời khác. Theo các cụ cao niên trong làng, nghề làm hương đã tồn tại hơn 300 trăm năm rồi.
"Nằm đất với chị hàng hương còn hơn nằm giường với cô hàng cá". Vừa bước chân đến đầu làng, chúng tôi đã cảm nhận được mùi thơm thanh tao của nhựa trám, một cảm giác được thư giãn sau một quãng đường khá dài để đến được với làng Chóa.
Hương đen làng Choá khác biệt với những loại hương khác bởi nguyên liệu không hoá chất, khi đốt sẽ có mùi thơm mát đặc trưng của nhựa trám, khói vào mắt cũng không cay và không đen nhà. Hương mang màu đen bóng, nhẵn tuy nhiên lại không bị nhọ tay, dù có bôi vào áo trắng cũng không để lại vết. Đặc biệt dù hương có ngâm nước vẫn cháy bình thường.
.jpg)
Thành phẩm hương đen làng Chóa
Làm hương đen tuy không đòi hỏi quá nhiều sức lực, nhưng lại khá cầu kỳ vì có nhiều công đoạn, lại cần có không gian để phơi khô nguyên liệu và thành phẩm. Để tạo nên những cây hương đạt chuẩn thì bước đầu tiên chọn lựa nguyên liệu phải cẩn thận, kĩ càng. Nhựa trám phải được lấy từ Cao Bằng, than hoa không được bị bẩn hay lẫn tạp chất. Đặc biệt, nứa làm tăm hương phải được ngâm dưới ao khoảng 3 tháng rồi mới được vót thành que và đem phơi khô dưới nắng
.jpg)
Tăm tre sau khi ngâm dưới ao thì sẽ được phơi khô dưới nắng
Khâu trộn nguyên liệu cũng không kém phần quan trọng - công đoạn này quyết định một phần lớn việc tạo nên hương thơm khác biệt cho loại hương đen đặc trưng của làng Chóa. Đem nhựa trám đun sôi rồi cho than hoa đã nghiền nhỏ vào; sau đó, bỏ hỗn hợp này vào máy nghiền, trộn kỹ để hỗn hợp trở nên dẻo mềm, gọi là “nến”, sau đó kéo thành miếng mỏng dài, cắt nhỏ để se vào từng que hương.
Ông Nguyễn Hữu Tư, một chủ xưởng sản xuất hương trong làng cho biết: “Hương có đạt chất lượng hay không là ở công đoạn này. Chỉ người đã có kinh nghiệm lâu năm thời mới làm. Tỷ lệ trộn giữa nhựa trám, than hoa phải hợp lý để nguyên liệu tạo ra không được quá dẻo vì sẽ dính, hay không được quá khô vì sẽ khó se hương.”
.jpg)
“Nến” sau khi trộn xong sẽ được cắt miếng nhỏ, cho vào nồi hấp cách thủy
Công đoạn cuối cùng là xe hương. Ngày xưa tất cả các công đoạn đều được làm bằng tay nên khá vất vả, còn hiện nay, nhờ có máy móc nên công việc đơn giản hơn nhiều. Tuy nhiên nhiều người dân vẫn dùng cách xe hương bằng tay. Lý do là người thợ sẽ phải trộn hóa chất để nguyên liệu hơi khô thì máy mới bắn que hương ra được. Những que hương như vậy thường cháy nhanh và dễ vỡ trong lúc vận chuyển, cũng như không để được lâu. Trong khi đó, với loại hương đen được làm thủ công, một que hương tí có thể cháy trong 3 giờ, hương sào từ 8 đến 12 giờ. Ðáng nói nữa là loại hương này dễ bảo quản, không hút ẩm, giữ được suốt trong năm và không nứt vỡ khi vận chuyển.
Theo như chị Nguyễn Tỉnh, con ông Tư chia sẻ: “Se hương thủ công sẽ mang lại độ mịn màng hơn, que hương đốt được lâu hơn, việc bảo quản cũng tốt hơn. Đặc biệt, hương se tay mang giá trị cao về truyền thống làng nghề".
.jpg)
Nhiều người dân làng Chóa vẫn chọn cách se hương bằng tay
Trăn trở giữ nghề
Nghề hương đen đã tồn tại ở làng Chóa hơn 300 năm.. Quy trình sản xuất hương vẫn không khác gì so với ngày xưa. Tuy nhiên, trong thời buổi kinh tế thị trường, nghề hương cũng gặp không ít thăng trầm.
Mặt hàng hương đen tuy không bị nhiều nơi làm nhái nhưng làm tốn nhiều công mà lợi nhuận không cao .Thêm vào đó Hương đen làng Chóa cũng chịu sự cạnh tranh khá gay gắt của các loại hương công nghiệp, hương thẻ khác trên thị trường. Ông Tư cho biết: “Hiện nay, quan niệm của số đông trong xã hội là hương thắp phải đậu tàn thì làm ăn mới phát tài phát lộc. Trong khi đó hương làng Chóa lại khó đáp ứng được thị hiếu này, vì chân hương làng Chóa không đậu tàn do không tẩm hóa chất như đa số hương công nghiệp trên thị trường.”
Bên cạnh đó, cũng chưa có một ai hay tổ chức nào đứng ra để tập hợp và xây dựng định hướng phát triển thương mại cho người dân. Cũng theo ông
Tư, các nhà làm hương ở làng hầu như không nhận được sự hỗ trợ, họ đều phải tự tìm kiếm khách hàng và đầu ra. Một phần cũng bởi vì quy mô kinh doanh đang phát triển nhỏ lẻ và tách biệt nên cũng khó quản lý. Một phần khác, dù là làng nghề truyền thống nhưng hương đen làng Chóa chưa được biết rộng rãi và có chỗ đứng trên thị trường.
.jpg)
Ông Tư vẫn luôn trăn trở về tương lai của hương làng Chóa
Nỗi lo không có người giữ nghề truyền thống cũng là điều mà ông Tư và chị Tỉnh phải suy nghĩ bao năm qua. Từng có lúc chị Tỉnh đã có ý định bỏ nghề làm hương để đi tìm công việc khác với mức thu nhập tốt hơn. Nhưng dù khó khăn nhưng chị cũng nỗ lực làm việc, giải thích và hướng dẫn cho các con của mình cách làm hương cổ truyền của gia đình.
Chị trăn trở: “Giờ cứ cố gắng làm để giữ nghề là để truyền lại cho con cái mình. Ngày nào chị cũng bảo con ra se hương cùng. Mặc dù chưa biết con có định hướng gì cho nghề nghiệp tương lai nhưng chị cứ cho con làm dần, rồi cũng sẽ tạo được cho con một chút tình yêu đối với nghề này. Giờ đây các con của chị đều có thể thay mẹ se nhang mỗi buổi chiều đi học về”
Trong những năm gần đây, nhân lực lao động của nghề hương hiện còn rất ít. Chỉ còn lại 30-40 hộ trong làng là còn làm hương quanh năm. Từ đầu tháng 10 âm lịch hằng năm, khi thị trường của hương đen làng Chóa bắt đầu vào vụ Tết thì số lượng lao động mới đông đảo hơn. Đa số lực lượng lao động trẻ, có sức khỏe tốt đều đi làm công nhân cho các khu công nghiệp trong tỉnh.
Ông Tư ngậm ngùi chia sẻ: "Trước đây làng còn nhiều hộ làm hương, nhưng từ khi các khu công nghiệp về đây, người dân trong làng bỏ nghề hương đi làm công nhân ngày càng nhiều, kể cả những người trẻ. Có như thế thì đồng lương của người họ mới ổn định, cuộc sống cũng no ấm hơn. Làm hương cũng tuỳ từng hộ, không phải hộ nào cũng bán được, vấn đề tìm kiếm đầu ra cũng rất khó khăn ".
Dù trên thị trường hiện nay ngày càng xuất hiện nhiều loại hương công nghiệp độc hại, song hương đen làng Chóa vẫn giữ được nét độc đáo của riêng mình. Nhiều khó khăn còn tồn tại quy mô làng nghề bị thu hẹp lại nhưng dân làng vẫn mong muốn gìn giữ và đưa nghề hương đen phát triển hơn nữa, tiếp nối truyền thống cha ông, gìn giữ và truyền nghề cho thế hệ tương lai.
Công cuộc “thương mại hóa” hương đen
Để có thể gìn giữ được nghề truyền thống, gia đình ông Tư đã quyết định làm bao bì cho sản phẩm của nhà mình nhằm tăng độ nhận diện cho sản phẩm hương đen làng Chóa. Đối với những khách hàng mua trực tiếp tại cửa hàng, các que nhang được xếp gọn trong túi nylon bóng. Còn khi giao tới những khách hàng ở xa, thẻ hương còn được đóng gói vào những hộp giấy cứng đỏ, nụ trầm được đóng trong hộp micca. Trên bao bì có thông tin sản phẩm, từ nguyên liệu, đến nơi sản xuất và cách dùng. Tuy vẫn còn đơn giản, nhưng đây lại là bước chuyển mình cho thương hiệu hương đen làng Chóa nói chung và gia đình ông Tư nói riêng.
.jpg)
Các sản phẩm hương đen được đóng gói cẩn thận
Không chỉ tăng độ nhận diện, gia đình ông Tư còn là những người đầu tiên trong làng quyết định đưa hương đen làng Chóa đến rộng rãi hơn với người tiêu dùng bằng cách quảng bá thương hiệu trên website, các nền tảng mạng xã hội và cả các sàn thương mại điện tử Giờ đây khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin về hương sạch thủ công làng Chóa trên Facebook hay Zalo.
Cả ông Tư lẫn chị Tỉnh vốn không phải là những người am hiểu công nghệ, nhưng họ biết rằng nếu mình không tự bắt tay vào làm thì sẽ chẳng có ai sẽ làm được điều đó. Những ngày đầu khi mới bán online, họ đã gặp nhiều khó khăn. Ảnh chụp không được đẹp, sắc nét, những bài đăng đầu tiên còn sơ sài cả về hình ảnh và nội dung, không có đầy đủ thông tin. Nhưng làm nhiều cũng thành quen, giờ đây, ông Tư hay chị Tỉnh đều đã có thể đăng bài một cách hoàn chỉnh, đầy đủ thông tin hơn, và cũng đã có nhiều người biết đến hương đen làng Chóa hơn qua những bài đăng đó.

Cửa hàng hương đen trên sàn thương mại điện tử Shopee
Đối với những điều mà gia đình ông Tư, cũng như những hộ gia đình khác vẫn còn làm hương trong làng đã làm được, ta hoàn toàn có thể tin vào một tương lai tươi sáng dành cho hương đen, dành cho một làng nghề truyền thống mang nhiều những nét văn hóa của Việt Nam.
Tuấn Tú - Thu Huyền