Về Chùa Bút Tháp, ngắm bảo vật Quốc gia

(BTV) - Bắc Ninh - Kinh Bắc, mảnh đất có bề dày lịch sử và giàu truyền thống văn hiến. Quê hương có nhiều di tích lịch sử văn hóa, nổi bật trong số đó phải kể đến là chùa Bút Tháp - ngôi chùa cổ lưu giữ 4 bảo vật quốc gia.

Chùa Bút Tháp, tên chữ là Ninh Phúc tự, một trong những danh lam cổ tự đẹp nhất ở vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Xây dựng từ thế kỷ 14 với diện tích khoảng 10.000m2, chùa Bút Tháp có kiến trúc độc đáo, bố cục hài hòa với môi trường thiên nhiên và rất sinh động.

Cũng như nhiều ngôi chùa cổ phía Bắc, chùa Bút Tháp được xây theo kiểu nội công ngoại quốc, với các công trình kiến trúc được bố trí cân xứng, chặt chẽ ở khu vực trung tâm.

1(1)

Toàn cảnh chùa Bút Tháp.

Bên cạnh giá trị lịch sử, kiến trúc, hiện trong chùa còn lưu giữ bốn Bảo vật Quốc gia đó là: Tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay được Thủ tướng Chính phủ công nhận năm 2012 và 3 Bảo vật được công nhận tháng 1-2021 là: Tượng Tam thế, Tòa Cửu phẩm Liên Hoa (còn gọi Cối kinh) và Hương án.

Kiệt tác tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay

Quan trọng nhất, đặc biệt nhất trong số 4 bảo vật được lưu giữ tại Chùa Bút Tháp phải kể đến tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay, mà theo các nhà nghiên cứu là một tuyệt tác trong nền nghệ thuật điêu khắc tượng của nước ta. Tượng Phật nghìn tay nghìn mắt làm bằng chất liệu gỗ, phủ sơn. Chiều cao tượng (tính từ đài sen đến đỉnh đầu tượng) là 235 cm. Pho tượng do nhà điêu khắc tài hoa Trương Thọ Nam hoàn thành vào ngày tốt mùa Thu năm Bính Thân (1656) thời Lê Trung Hưng.

18

Kiệt tác điêu khắc của Việt Nam.

Tượng có 42 cánh tay lớn, hai tay chắp trước ngực theo kiểu liên hoa hợp chưởng, hai tay để trên đùi với những ngón tay đan chéo biểu tượng cho dáng hành đạo và thiền định, hơn 900 tay nhỏ, dài ngắn khác nhau. Mỗi bàn tay lại có một con mắt đen láy, nhịp điệu mỗi cánh tay cũng khác nhau, cả nghìn tay nghìn mắt nhìn tổng thể như những vòng hào quang tỏa ra. Các cánh tay đều để trần, đeo vòng hạt minh châu đưa lên như đóa hoa sen nở. Trên đỉnh vòng hào quang là con chim thiên đường thể hiện sự giao hòa tự nhiên. 

Chị Nguyễn Minh Châu, một du khách đến từ Hà Nội cho biết: “Tôi cảm thấy rất ngạc nhiên về trình độ tay nghề của người tạc tượng, tôi không nghĩ là với công nghệ thô sơ của cha ông ta ngày trước mà có thể tạo ra được một tác phẩm có hồn như thế này. Bức tượng tỏa ra một sự uy nghi hiếm có, với nghìn con mắt và nghìn cánh tay, Phật bà như đang nhìn thấu vũ trụ, vươn tới những cõi xa xăm diệt tà, giúp đời, giúp đạo.”

21

Bức tượng toát lên vẻ cổ kính, uy nghi.

Bệ tượng hình rồng đội đài sen. Đài gồm ba lớp cánh sen cánh to xen lẫn cánh nhỏ. Phần bệ tượng được tạo theo kiểu sumeru bố trí thành nhiều cấp với hình chữ nhật chém góc.

Chính giữa có một hàng chữ Hán ghi niên đại tạc tượng: "Tuế thứ Bính Thân, thu nguyệt cốc nhật danh tạo". Mặt bên phải chạm hình hai ô trám lồng vào nhau, hình đồng tiền kép, chính giữa có ghi dòng chữ "Nam Đồng Giao Thọ Nam trương tiên sinh phụng khắc". Hai dòng chữ cho biết ngày tạc tượng và người tạc tượng (Trương tiên sinh hoàn thành vào một ngày tốt mùa Thu năm Bính Thân (1656).

20

19

Những chi tiết nhỏ đều được chăm chút tỉ mỉ.

Tượng Tam Thế độc nhất vô nhị 

Nằm cạnh bức tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay là hệ thống ba pho tượng Tam thế, biểu trưng cho 3 thế hệ: Phật Adiđà - chủ trì quá khứ, Phật Thích ca Mâu ni - chủ trì hiện tại và Phật Di lặc - chủ trì tương lai.

Điều quý giá nhất có lẽ là mỗi một bức tượng thờ đều thấm đẫm tâm hồn Việt. Một trong những yếu tố góp phần làm giá trị nghệ thuật của pho tượng là hoa văn trang trí và mật ý nhằm truyền tải những khát vọng ngàn đời của người Việt.

Ba pho tượng có dáng ngồi theo tư thế nhập thiền trên tòa sen. Bên dưới là bệ tượng hình khối vuông, thắt ở giữa với kết cấu ước lệ ba tầng. Hình thức thể hiện dung dị, khoáng đạt. Những hoa văn ở bệ tượng, đài sen tuy có nét tương đồng với một số chùa, nhưng vẫn mang nét riêng và độc đáo so với thời trước và thời sau.

17

Bộ ba pho tượng Tam Thế.

Các nhà nghiên cứu Phật giáo đồng ý kết luận, hoa văn trang trí bộ tượng Tam thế mang ý nghĩa về các lực lượng tự nhiên, phản ánh tục cầu mưa, cầu mùa, là khát vọng hằng xuyên của người Việt vùng châu thổ Bắc Bộ. Yếu tố dung dị, phóng khoáng của tâm thức bản địa đã Việt hóa những khuôn mẫu tôn giáo, tạo nên sự dung hội văn hóa trong ngôi chùa của người Việt.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu đã giải mã bí mật những hoa văn ở bệ tượng Tam thế chùa Bút Tháp nhằm chứng tỏ ngôn ngữ tạo hình giữ vai trò quan trọng trong nghệ thuật tạo hình của người Việt. Đồng thời khẳng định nghệ thuật thời Lê - Trịnh là đỉnh cao của nghệ thuật dân gian Việt Nam.

Qua cách trình bày và trang trí của bộ tượng này, ta có thể nhận thấy sự kết hợp hoàn hảo giữa nghệ thuật điêu khắc và biểu tượng hóa, mang lại cho người xem và người thực hiện nghi lễ cảm giác gần gũi hơn với Phật giáo, đồng thời cũng mang lại cho họ cái nhìn sâu sắc về vẻ đẹp của nghệ thuật Phật giáo vào thời Lê Trung Hưng.

Tòa Cửu phẩm liên hoa đẹp nhất Việt Nam

Tòa Cửu phẩm liên hoa tại chùa Bút Tháp là một trong 3 tòa tháp đẹp nhất của Việt Nam hiện tại. Mang trên mình hàng chục bức họa chạm khắc đa dạng, được cho là đạt đến mức hoàn hảo mang giá trị mỹ thuật cao, đây xứng đáng là một bảo vật tiêu biểu cho vùng đất giàu truyền thống văn hiến.

22

Tòa “Cửu phẩm liên hoa” đẹp nhất Việt Nam.

Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, Cửu Phẩm Liên Hoa tại chùa Bút Tháp được dựng từ thế kỷ 14, thời Thiền sư Huyền Quang. Đây vẫn là một sự phỏng đoán bởi có thể tín ngưỡng dân tộc qua thời gian đã nhào nặn nên sự tích này, như một chi tiết làm tăng thêm "tính thiêng" về sự tồn tại lâu đời của tòa Cửu Phẩm.

Tháp có bố cục 9 tầng, với cả 8 mặt đều được chạm những bức phù điêu tinh xảo liên quan tới tích nhà Phật. Qua hàng trăm năm, tháp vẫn có thể xoay được mà không phát ra âm thanh. Đây cũng là tòa Cửu Phẩm Liên Hoa được mệnh danh là đẹp nhất còn sót lại.

Tòa Cửu phẩm liên hoa (còn được gọi Cối kinh) được đặt chính giữa trong Tích thiện am, là kiến trúc đặc biệt nhất của chùa Bút Tháp. Được kết cấu theo kiểu chồng diềm, với hàng cột ở giữa cao, to, chạy suốt từ tầng 1 lên tầng 3, các vì kèo được làm theo kiểu chồng rường, những đầu đao của 3 tầng mái cong vút.

25

Tòa tháp vẫn còn có thể xoay được.

Các hình chạm trên tòa Cửu phẩm liên hoa mang nội dung khuyến thiện trừ ác, giới thiệu hành trạng các vị Tổ truyền đăng và các đại sư với các cấp độ thăng hoa khác nhau trên con đường hành đạo. Cách chạm đục tinh xảo, ngẫu hứng, bố cục người và cảnh vật như bức họa hoàn hảo.

Nhờ đó, cây tháp vừa có giá trị lớn về tư tưởng Phật giáo, đó là giáo hóa chúng sinh, đưa chúng sinh đến mọi con đường tìm về đất Phật, dù người đó là ai, kẻ ác hay người thiện, chỉ khác chăng trên mỗi tầng của cây “cửu phẩm” ấy là hình tượng của từng người với từng cung bậc, quả tu khác nhau, chứa đựng trong đó một giá trị nghệ thuật, tạo hình đến mức điêu luyện.

24

23

Những hình chạm khắc tinh xảo trên Cối kinh.

 

Tinh xảo hương án 400 năm

Hương án chùa Bút Tháp là tác phẩm nghệ thuật đẹp nổi tiếng, tiêu biểu mẫu mực cho phong cách điêu khắc gỗ thời Lê Trung Hưng. Trong chùa có 3 hương án đều từ thế kỷ 17, nhưng đáng tiếc, 1 Hương án chùa Bút Tháp đã bị phá hủy trong vụ cháy năm 2015. Hiện nay, ta chỉ có thể nhìn thấy Hương án này qua các mô tả 3D và các bức ảnh chụp trước năm 2015.

4

Hương án trước khi bị cháy năm 2015 (Nguồn: Báo Thanh Niên)

Trên thân hương án cũng có những hình thân rồng đang vận động, bám vào thân cột. Ở những ô hộc hình chữ nhật còn lại là đồ án rồng vần vũ trong mây, mỗi con một vẻ. Dù thân ngắn, thân dài khác nhau, chúng đều có vảy và tia lửa phóng ra từ thân rồng. Phần thân hương án ở 2 cạnh và phía sau cũng có hình rồng cuộn lá đề, bên ngoài là mây lửa bao quanh và những góc cánh hoa.

Tại chân hương án, mỗi chân trụ có một hình rồng với đầy đủ đầu, thân, bàn chân trước của rồng. Rồng ở đây trong tư thế đang ngóc đầu, miệng ngậm ngọc báu, bờm và tia lửa khỏe khoắn, chân rồng có vảy và lộ ra các móng sắc nhọn. Các chi tiết đao lửa, mây cuốn nối từ đầu và thân rồng lan tiếp tới cạnh mặt trước, sau và hai bên hồi hương án. Ở cạnh hồi này, có đồ án lưỡng long chầu mặt trời với hình rồng bay lượn rất phóng khoáng. Cùng lúc chân hương án còn có đồ án hổ phù. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc vừa có đồ án hổ phù lẫn lưỡng long chầu mặt trời là dạng thức đồ án kép, hay đồ án chồng đồ án. 

Mặt hương án cũng được tạo tác rất đặc biệt. Mặt là tấm gỗ liền để trơn và phủ sơn ta rồi đánh bóng. Việc phủ sơn này giúp bảo vệ bề mặt gỗ khỏi tác động khi đặt lễ, bày đồ thờ lên trên. Mặt ngoài cách gỗ này được chạm khắc những cánh sen ngửa xếp chồng, đan xen nhau. Phần dưới tiếp theo được bố cục giật cấp, thu lại dần từng cấp vào phía bên trong, được trang trí bằng cánh sen đơn và dây hoa. Tổng thể mặt hương án giống một đóa sen mãn khai. Đây cũng là một biểu tượng quan trọng và quen thuộc, gắn liền với tinh thần của Phật giáo.

1

2

3

Phỏng tác 3D của Hương án (Nguồn: VR3D).

Hồ sơ bảo vật quốc gia đánh giá nét độc đáo của hương án chùa Bút Tháp không chỉ nằm ở kích cỡ đồ sộ, chạm khắc tỉ mỉ, mà còn độc đáo về chủ đề, đề tài trang trí, đặc biệt là các đồ án trang trí có hình tượng rồng. “Từ tần suất hình ảnh rồng xuất hiện dày đặc trên những hương án đan xen với các biểu tượng Phật giáo khác như cánh sen, quỷ la hầu cho thấy ý tưởng của nghệ nhân xưa nhằm biểu thị sự kết hợp hài hòa giữa biểu tượng vương quyền và thần quyền”, hồ sơ nêu rõ.

Với những giá trị độc đáo, Chùa Bút Tháp được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đây là một điểm tham quan, du lịch tâm linh nổi tiếng của vùng Kinh Bắc.

Thu Huyền

Ý kiến bạn đọc - Gửi bình luận

Gửi bình luận

reset captcha

Gửi bình luận Nhập lại