Chuyện về phỗng đất làng Hồ: Hồn quê xứ Kinh Bắc

(BTV) Kỳ 1: Món đồ chơi bị quên lãng Phỗng đất đã từng là đồ chơi dung dị, mang lại nhiều niềm vui cho trẻ em. Nhưng đến nay, sự xuất hiện của những món đồ chơi mới nhiều màu sắc, hiện đại, đã khiến loại hình nghệ thuật này dần bị lãng quên.

 

Tìm về quá khứ

Xã Song Hồ (Thuận Thành) từ lâu đã nổi tiếng là nơi phát tích của dòng tranh Đông Hồ, cũng là nơi bắt nguồn của phỗng đất, một trò chơi dân gian không thể thiếu trong những mâm cỗ trung thu của nhiều thế hệ trẻ em Kinh Bắc. Phỗng đất làng Hồ không chỉ là đồ chơi, mà còn được sử dụng để dâng cúng trong các nghi lễ tại đền, chùa.

Bộ đồ chơi phỗng đất mang đậm nét đẹp văn hóa dân gian Việt Nam, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử và bản sắc dân tộc. Trong mâm cỗ Trung thu truyền thống, bên cạnh mâm ngũ quả, bánh nướng và bánh dẻo, không thể thiếu ông tiến sĩ giấy, đèn ông sao và một bộ phỗng đất. Mâm cỗ này sau đó sẽ được bày ở sân nhà, dưới ánh trăng sáng vằng vặc để chờ trẻ con đi rước đèn trong xóm về sẽ tập trung bên mâm cỗ trông trăng, nghe ông bà, cha mẹ giảng giải về ý nghĩa của bộ phỗng đất.

Một bộ phỗng đất truyền thống gồm 5 nhân vật: nhân vật phỗng hình Phật ở vị trí trung tâm mang ý nghĩa tâm linh, giáo dục con cháu sống hiền lành, đúng mực; Con chim bay trên trời thể hiện khát vọng hòa bình; con rùa gắn với biển cả bao la và sự trường tồn, trong tâm trí người Việt đây còn là biểu tượng thiêng liêng được thần thánh hóa; nhân vật người già và em bé thể hiện sự nối tiếp truyền thống.

120065814_1947922055344870_6950977162320940771_n

Bộ phỗng đất truyền thống

Theo ký ức của những người cao niên, trong quá khứ, vào mỗi dịp Trung thu hay Tết Nguyên đán, trẻ em luôn háo hức nũng nịu mẹ mua cho bộ đồ chơi phỗng đất. Những người lớn hơn cũng tích cực mua về để hướng dẫn lại cho em nhỏ. Giá trị văn hóa này được lưu truyền liên tục từ đời này qua đời khác trong xã hội Việt Nam.

Phỗng đất có thiết kế đơn giản, nhưng để tạo ra được một tác phẩm đòi hỏi người thợ thủ công phải có kỹ thuật nặn điêu luyện. Người nghệ nhân với đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ, cẩn thận đã tạo nên tác phẩm từ những công đoạn cơ bản như chuẩn bị đất sét, vẽ màu, nắn, vuốt.

img_3056_optimized

Đôi bàn tay của người nghệ nhân cần phải khéo léo, tỉ mỉ

Đất dùng để làm phỗng đất phải là đất thó, loại đất có độ kết dính rất tốt, tốt hơn hẳn đất thịt. Để lấy đất thó, cần tranh thủ vào mùa cạn nước, đào đất ở ao, hồ sen hoặc đồng ruộng. Chiều sâu đào đất lý tưởng là từ 2,5 đến 3 m. Chỉ lấy lớp đất khoảng 20 đến 30 cm đầu tiên, vì lớp đất này có độ mịn và sạch hơn. Đất đào lên đem phơi khô, sau đó cho vào cối đập, dùng chày giã thành bột mịn. Tiếp tục sàng bột cho đến khi đạt độ mịn mát tay, có màu xám nhạt là đạt.

Ngoài đất thó, phỗng đất còn cần sử dụng bột giấy. Bột giấy được làm từ giấy bản, ngâm trong nước bảy ngày cho đến khi mủn hoàn toàn. Dùng tay trộn đều bột đất thó với bột giấy đã mủn. Trong lúc trộn, dùng chày đập liên tục như khi trộn bánh dầy cho đến khi hỗn hợp này quyện lại đến độ dẻo, mịn. Dùng tay vê thử hỗn hợp mà không dính là đạt yêu cầu.

Nghề nặn phỗng không đòi hỏi đôi bàn tay khéo léo và tinh xảo như các loại hình nghệ thuật khác. Người nghệ nhân chỉ cần giữ được cái hồn mộc mạc, thân quen vốn có của phỗng.. Sau khi nặn xong, phỗng sẽ được đem phơi khô dưới nắng cho se lại. Do tính đặc trưng của đất thó, tượng phỗng không thể làm khô bằng phương pháp nung hay sấy ở nhiệt độ cao. Tuy vậy, phỗng đất vẫn có độ cứng và bền nhất định.

 

img_3055_optimized

Phỗng đất sau khi tạo hình xong thì sẽ được đem đi phơi

Sau khi phỗng khô, người nghệ nhân sẽ pha trộn hồ điệp trắng cùng hồ nếp với nước theo một tỷ lệ chuẩn rồi lọc qua khăn cho thật mịn, cuối cùng đem hỗn hợp đó phủ lên bề mặt phỗng. Lớp hồ này sẽ giúp cho tượng phỗng đất thêm bóng và đẹp mắt hơn. Công đoạn cuối cùng là vẽ màu. Tông màu chủ đạo để tô cho phỗng là đỏ, vàng, xanh, đen. Đây là những gam màu truyền thống, khi vẽ lên sẽ tạo cảm giác thân thuộc, gắn bó.

79517608_1660883244048754_1406376106088464384_n

Những gam màu truyền thống nhưng thân thuộc, gắn bó

Chìm dần vào quên lãng

Theo thời gian, cùng với sự đa dạng hóa và phát triển của các món đồ chơi hiện đại với mẫu mã, tính năng đa dạng, bắt mắt hơn, các sản phẩm đồ chơi truyền thống như phỗng đất dần mất dần đi sức hút và rơi vào quên lãng. Thêm vào đó, do đặc tính dễ vỡ cùng tính ứng dụng khá hạn chế của mình (phỗng đất chủ yếu được sử dụng cho mỗi dịp Trung thu trong năm) chính vì vậy mà sản phẩm này càng khiến cho số lượng người hiểu biết và có khả năng duy trì nghề làm phỗng đất ngày càng trở nên khan hiếm.

Những chiếc phỗng đất được làm thủ công cầu kỳ và tinh xảo, thế nhưng mức giá bán ra lại chỉ có 30.000 đồng/con. Thêm vào đó, phỗng đất chủ yếu chỉ được tiêu thụ vào dịp Tết Trung thu trong năm. Qua đó, có thể thấy rằng, những người thợ làm phỗng đất rất khó có thể duy trì cuộc sống bằng nghề truyền thống này. Điều này cũng khiến cho nghề làm phỗng đất ngày càng bị mai một

img_2999_optimized

Các nhà trong làng giờ đã chuyển qua làm vàng mã

“Ngày trước trong làng có khoảng chục nhà vẫn làm phỗng đất, nhưng do thu nhập không cao, nên họ chuyển sang làm đồ vàng mã hết rồi. Hiện giờ trong làng chỉ còn một mình nhà tôi còn làm phỗng đất mà thôi.” Nghệ nhân Phùng Đình Giáp chia sẻ.

Trước đây vợ chồng ông Giáp từng đem phỗng ra Hà Nội để bán, đem đến hội chợ để trưng bày nhưng cũng không thể quảng bá được món đồ chơi này. Vì thế, phỗng đất dần dần lại đi vào quên lãng.

Vợ chồng ông Giáp không cam lòng nhìn một phần quá khứ của cha ông biến mất, bởi trong lòng người nghệ nhân già luôn tâm niệm, cha ông đã cho thứ nghề gì cũng đáng quý và thế hệ sau phải có trách nhiệm gìn giữ, phát huy.

Ông Giáp bộc bạch rằng: “Chỉ cần nhìn vào triết lý của các tượng phỗng, sẽ thấy ông cha xưa gửi gắm những lời hay ý đẹp, tư tưởng và giá trị văn hóa truyền thống lâu đời, để dạy dỗ, nhắc nhở con cháu về lối sống, cách ứng xử và đạo làm người trong cuộc sống”.

img_3023_optimized

Ông Giáp vẫn một mực giữ lấy nghề của cha ông

Dẫu biết rằng nếu theo nghề chắc chắn sẽ không thể đáp ứng đủ kinh tế gia đình, mặc cho hàng xóm láng giềng có bỏ nghề theo việc khác, vợ chồng ông Giáp vẫn hàng ngày tiếp tục gìn giữ một phần văn hóa quê hương. Trong cuộc sống vẫn có những con người chung ý tưởng, vợ chồng ông Giáp cũng đã nhận được sự khích lệ từ các nghệ sĩ dân gian, như nghệ nhân Nguyễn Văn Nhung, nghệ nhân Phạm Đình Nam...

Để rồi từ đây, hai ông bà bắt đầu hành trình đưa phỗng đất trở lại với thời đại, trở thành những nghệ nhân cuối cùng còn nắm giữ quy trình làm phỗng đất cổ truyền.

Còn tiếp

Đón đọc: Kỳ 2 “Người nghệ nhân cuối cùng” ngày 25/04/2024 

Thu Huyền

Ý kiến bạn đọc - Gửi bình luận

Gửi bình luận

reset captcha

Gửi bình luận Nhập lại