Nghệ sỹ Mai Tuyết Hoa – Truyền nhân hát Xẩm Hà Thị Cầu

(BTV) Bén duyên với nghệ thuật hát Xẩm như một lẽ cơ duyên của cuộc đời nghệ sỹ (NS) Mai Tuyết Hoa. Tình yêu, niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật này cùng chiếc đàn nhị cứ dần lớn lên và gắn bó với chị như một phần không thể thiếu của cuộc đời. Giữa sóng bể cuộc đời khi dòng nhạc dân tộc ngày càng bị “ngó lơ” thì tình yêu với hát Xẩm vẫn luôn cháy bỏng trong tâm hồn nghệ sỹ Mai Tuyết Hoa – truyền nhân hát Xẩm Hà Thị Cầu – báu vật sống của dân gian.

 


Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa biểu diễn hát Xẩm tại sân khấu chợ Đồng Xuân.

Nghệ sỹ Mai Tuyết Hoa sinh năm 1976 trong gia đình không có truyền thống làm nghệ thuật, nhưng NS Mai Tuyết Hoa sớm bén duyên với cây đàn nhị nhờ sự động viên, định hướng từ người cha yêu thích nhạc cụ dân tộc. Chị chia sẻ: “Trong một lần đến nhà chơi, người bạn của bố có khuyên cho tôi và chị gái học nhạc vì nhẹ nhàng, nữ tính. Lên 8 tuổi, chị được cha đến xin học tại trường Trung cấp nghệ thuật Hà Nội học lớp đàn nhị. Kể từ đó, chiếc đàn nhị gắn bó và theo chị đến tận bây giờ và sau này. Gần tốt nghiệp Nhạc viên Âm nhạc Quốc gia, chị được mời sang Viện Nghiên cứu âm nhạc cộng tác với vai trò nhận các băng đĩa về tách lời, ký âm, ghi âm các tư liệu âm nhạc có sẵn. Chính trong môi trường làm việc đó, Mai Tuyết Hoa đã tình cờ bắt gặp đĩa hát của nghệ nhân hát Xẩm Hà Thị Cầu. Cơ duyên đó như chìa khóa mở ra chặng đường mới, chân trời mới của chị với nghệ thuật hát Xẩm.

Tốt nghiệp đúng thời điểm Viện Nghiên cứu Âm nhạc thành lập phòng trưng bày nhạc cụ do các đoàn đi công tác về sưu tầm âm thanh, những bàn ký âm và cả nhạc cụ… Mai Tuyết Hoa tình cờ được Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoàng Lan nhận về làm việc cho phòng nhạc cụ. Đó là thuận lợi để chị nghiên cứu và chọn hát Xẩm làm đề tài tốt nghiệp lấy bằng lý luận phê bình âm nhạc. Vừa nghiên cứu, vừa thực hành biểu diễn, hát Xẩm đã ngấm và thấm vào tâm hồn nghệ sỹ từ khi nào không hay. Để đến hôm nay, hát Xẩm là một phần không thể thiếu của con người Mai Tuyết Hoa.

Một lần nghe được tiếng hát của nghệ nhân hát Xẩm Hà Thị Cầu, được tận mắt nhìn thấy băng ghi hình bà Cầu với cây đàn nhị quen thuộc. Bà Cầu tay chơi đàn, miệng nhả câu nhả chữ. Cô gái ấy mơ mộng rồi học hát theo. Tình yêu, niềm đam mê ấy đã thúc giục cô tìm về quê của “bu Cầu” – tiếng gọi thân thuộc của cô học trò cưng rồi ở nhà bu hàng tuần liền. Sau lần đó, cứ có thời gian rảnh dỗi, chị lại bắt xe khách về với bu Cầu để mong học được ngón nghề của bu.

NS Mai Tuyết Hoa thể hiện ca khúc “Quê Choa” trong album

“Tôi yêu Thanh Hóa” cùng các thành viên nhóm Xẩm Hà Thành.
Chứng kiến một tài năng, một báu vật sống của nghệ thuật hát Xẩm – Hà Thị Cầu lại sống trong sự cô đơn. Tài năng là thế, viên ngọc sáng của nhân gian nhưng cuối đời lại lủi thủi trong ngôi nhà tuyềnh toàng, xung quanh là những giấy khen treo kín 4 bức tường. Bà cô đơn trong không gian sống, hàng ngày lại nhấc cây đàn nhị nhấn nhá, rung rinh cất giọng đặc trưng có một không hai của làn điệu Xẩm. Hình ảnh đó về “bu Cầu” cứ mãi ám ảnh, hằn sâu trong tâm hồn Mai Tuyết Hoa khiến chị cùng các thành viên của nhóm Xẩm Hà Thành cần phải làm điều gì đó với hát Xẩm. Đó cũng là cách đáp lại tình cảm yêu mến, trân trọng giữa Mai Tuyết Hoa và nghệ nhân Hà Thị Cầu.

Tâm huyết và luôn đau đáu, trăn trở về nghề hát Xẩm trong thời cuộc người đời “thờ ơ” với bộ môn nghệ thuật này cùng với sự nở rộ của vô vàn loại hình nghệ thuật mới nổi khác. Năm 2005, Mai Tuyết Hoa cùng cố GS Phạm Minh Khang, nhạc sỹ Thao Giang, nhạc sỹ Quang Long, NSƯT Thanh Ngoan… thành lập Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc thuộc Hội Nhạc sỹ Việt Nam và trảu chiếu Xẩm vào tối thứ 7 hàng tuần trước cửa chợ Đồng Xuân để hát Xẩm. Trong màn đêm buông xuống, chiếu Xẩm được trải ra, những nghệ sĩ biểu diễn mà không yêu cầu, đòi hòi bất kỳ một khoản thù lao nào. Họ biểu diễn vì niềm đam mê tha thiết, vì lòng trách nhiệm với bộ môn nghệ thuật hát Xẩm này. Với những nghệ sỹ, chỉ cần có khán giả đến xem là họ như thêm trải lòng, rút ruột ra say sưa, ngân nga tiếng hát.

Gia đình hạnh phúc NS Mai Tuyết Hoa.

Nhắc đến Mai Tuyết Hoa – cô gái hiếm hoi của nghệ thuật hát Xẩm – hình ảnh của chị gắn liền với những tác phẩm đi cùng năm tháng như: Giăng sáng vườn chè, Xẩm tàu điện, Nghĩa mẹ sinh thành, Nỗ lực hồi sinh (Xẩm đỏ)… Mỗi ca khúc, mỗi tác phẩm là sự dày công nghiên cứu, tìm hiểu để gìn giữ nghệ thuật Xẩm, đồng thời lưu giữ những tài liệu quý báu về bộ môn nghệ thuật có một không hai này đối với thế hệ sau. Đặc biệt là thế hệ trẻ, để họ biết rằng, trong kho tàng âm nhạc dân tộc, hát Xẩm có vị thế, vai trò, ý nghĩa quan trọng.

Hơn 20 năm theo đuổi nghệ thuật truyền thống, gắn bó với bao thăng trầm của nghệ thuật Xẩm nhưng NS Mai Tuyết Hoa chưa bao giờ hối hận về con đường đã chọn. Chị chia sẻ: “Đến giờ, nếu nói vì một công việc tốt hơn hay vì một đam mê khác mà tôi từ bỏ Xẩm thì không bao giờ. Xẩm là một phần cuộc sống của tôi. Tôi theo đuổi vì đam mê chứ không vì bất cứ điều gì khác”. Với mong muốn gìn giữ và tạo điều kiện cho thế hệ trẻ biết đến các loại hình nghệ thuật truyền thống, hiện nay, trung tâm của NS Mai Tuyết Hoa đang cố gắng đào tạo những tài năng mới cho nghệ thuật dân tộc. Nhưng với Mai Tuyết Hoa, để Xẩm tồn tại lâu dài, để sống được với Xẩm cần sự đam mê thực sự: “Chúng tôi – những người yêu Xẩm thực sự - thành lập nhóm Xẩm Hà thành không vì mục đích kinh tế mà vì tình yêu dành cho nghệ thuật này. Ai cũng có công việc riêng, biên tập viên, diễn viên, nhạc sỹ… đều lấy nghề chính nuôi nghệ phụ, nuôi dưỡng đam mê”…
         
Mặc dù công việc biên tập viên tại Đài Tiếng nói Việt Nam khá bận rộng song tình yêu, niềm đam mê với Xẩm chưa bao giờ nguôi trong con người nghệ sỹ. Xẩm vẫn chiếm khoảng thời gian khá lớn trong lịch làm việc của chị. Những nỗ lực từng ngày cùng trăn trở của NS Mai Tuyết Hoa sẽ nhanh chóng được công chúng, khán giả ghi nhận. Và Xẩm sẽ trở lại là môn nghệ thuật yêu thích của dòng nhạc dân tộc.
Mai Quế

Ý kiến bạn đọc - Gửi bình luận

Gửi bình luận

reset captcha

Gửi bình luận Nhập lại