Trảy hội mùa xuân

(BTV) Mùa xuân Kinh Bắc bao giờ cũng ngập tràn trong âm thanh và sắc màu của lễ hội. Bên cạnh những hoạt động rước, tế của phần lễ, các sinh hoạt văn hoá văn nghệ, các trò chơi dân gian của phần hội, thì nét đặc trưng tiêu biểu, lôi cuốn lòng người trảy hội nhất trong các lễ hội vùng Kinh Bắc chính là câu hát dân ca Quan Họ, thứ âm thanh, ngôn ngữ đầy sắc màu tình cảm sâu đậm, nhân ái, thuỷ chung, của tình yêu vượt mọi khoảng cách thời gian và không gian của người Quan họ.

 

Như câu ca của người Quan họ: Đến hẹn lại lên, ăn Tết nguyên đán xong, người Kinh Bắc – Bắc Ninh lại nao nức rủ nhau du xuân trảy hội. Cái nao nức chộn rộn như câu ca giục giã tự thẳm sâu ký ức dân gian:
Mồng Bốn là hội kéo co
Mồng Năm hội Ó chẳng cho nhau về
Mồng Sáu đi hội Bồ Đề
Mồng Bảy trở về đi hội Đống Cao ..
Quan họ Bắc Ninh từ thủa xa xưa, người dân dẫu vất vả bao việc đồng áng nhưng vẫn biết làm giàu cho cuộc sống tinh thần của mình bằng câu hát bạn tình ơi, để mà đắm say, để mà thổn thức, để lại hôm nay cháu con có cả một di sản văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại, cho năm châu bốn biển vinh danh.

Bắc Ninh, vùng đất vượt trội về Hội hè đình đám so trong cả nước bởi vốn là chốn địa linh, nảy mầm văn minh lúa nước của người Việt cổ; hội tụ, giao thoa, tiếp xúc, tiếp biến và phát triển được những tinh hoa văn hoá Hoa – Ấn – Chăm; tín ngưỡng Phật – Nho - Đạo..  thành bản sắc của một nền văn hoá Việt đích thực.
Ai biết thủa Man Nương thành Phật mẫu? cũng biết đâu thời Từ Thức gặp Giáng Hương? Cánh Mẫu đơn nào rơi trên tà áo người tiên nữ trong ván cờ trên đỉnh núi Lạn Kha để chàng tiều phu Vương Chất quên cán rìu đã mục? Và khát khao nào cho bà chúa Chè uống trăng thành dãy núi?.. Những câu chuyện canh khuya bên bếp lửa của bà cháu, mẹ con, như núi mạch, suối nguồn, cứ bồi tụ qua trường kỳ lớp lớp người trong lịch sử, để truyền tụng, để xâu chuỗi thành một Bắc Ninh dày bao huyền thoại.

Lại nữa, khúc sông nào cho câu hát Trương Chi tắm lòng người khuê các, dòng chảy nào cho anh em Trương Hống, Trương Hát trẫm mình khẳng định danh tiết với nước non; núi cao đâu giữa chốn đồng bằng mà tầm trí huệ của bậc thánh nhân Vạn Hạnh nhìn ra thế cuộc cho minh quân nhà Lý tìm đất đóng đô thành Thăng Long – Hà Nội? Lớp hậu học chúng tôi dẫu có đi hết cuộc đời, dẫu nói bao lời cũng chẳng tìm cho ra lời đáp trả. Chỉ biết rằng, trên đất quê mình, hôm nay, thời công nghiệp đang trên đà phát triển, nhưng những bản sắc trường tồn vẫn được gọi tên. Và chúng tôi mang theo tất cả những ký ức, hoài niệm, những huyền thoại cổ xưa nói trên để hân hoan gặp đỉnh cao hội tụ, hào quang toả sáng của một nền văn hiến Bắc Ninh trong suốt Giêng Hai những ngày hội mở.
         
Người rằng người ơi – Người có yêu tôi - Đường về Quan Họ bảo tôi về cùng…

Trong không gian đầy âm thanh sắc màu Xứ Bắc, nghe người con gái Nội Duệ – Cầu Lim tài đảm hát câu dân ca Người ở đừng về, chắc hẳn mỗi ai đó sẽ không thể không bồi hồi, để tự hẹn mỗi năm đến hẹn lại lên, để lại được sống giữa sắc xuân một vùng Lim ngày hội.
         
Hội Lim… Nguyên thuỷ là lễ hội mang ý nghĩa và nghi lễ tế thần và tưởng nhớ người có công của quê hương, có kết hợp hát xướng của các xã trong tổng Nội Duệ, nơi có truyền thống hát Trống quân, Ả đào, Quan họ.. được tổ chức vào ngày rằm tháng Tám. Sau này, nhờ có Quận công Đỗ Nguyên Thuỵ, tiếp đó là Hiếu trung hầu Nguyễn Đình Diễn, rồi mụ Ả khai mở tập tục, thành cổ lệ hàng Tổng với mong muốn tạo tiền đề duy trì  và phát triển lối hát giữa các xã vốn có quan hệ và ràng buộc với nhau trong đơn vị hành chính cấp Tổng lúc bấy giờ, mà các hội tế thần, hát xướng của các làng xã vào dịp rằm tháng Tám trở thành hội hàng Tổng vào dịp tháng Giêng. Từ tiếng hát phục vụ cho tế lễ dâng lên đức thần linh, dần dà lối hát Quan họ đã trở thành tiếng nói của cuộc sống thanh bình. Lối chơi Quan họ, tục kết bạn Quan họ hoà chung với lối hát giao duyên đã dần dần toả sóng tới nhiều nơi trong vùng, để đến hôm nay, ta có một hội Lim đậm đặc chất liệu Quan họ, say lòng không riêng gì du khách, mà ngay cả với chính người trong vùng Hội.

Cùng với những lễ hội tiêu biểu diễn ra ngay trong những ngày đầu xuân, thì suốt Giêng, Hai tới tận đầu tháng Tư âm lịch, đất Kinh Bắc còn thu hút khách thập phương bởi hàng trăm lễ hội lớn nhỏ khác nhau. Hội đền, hội đình, hội chùa, lớn cả vùng như Hội Dâu, Hội đền bà chúa kho, Hội chùa Bút Tháp, Hội đền Đô.. nhỏ thì các Hội làng, hội hàng xã.. Mỗi lễ hội đều mang một sắc thái riêng. Nhưng điều chung nhất là hoạt động mang ý nghĩa tinh thần của cộng đồng, tạo sự gắn kết mật thiết giữa các cá nhân trong mỗi làng quê, và giữa các làng quê với nhau.

Vẫn câu ca của người Quan họ: Đến hẹn lại lên, hơn chục năm trở lại đây, người Quan họ còn được náo nức rủ nhau về với Hội thi hát Quan họ đầu xuân do tỉnh Bắc Ninh tổ chức. Hội hát được tổ chức định kỳ nhằm ngày mồng 10 tháng Giêng. Hoạt động văn hoá này không chỉ mang ý nghĩa của một cuộc thi tài, lựa chọn và tôn vinh những giọng ca Quan họ hàng đầu trong phong trào ca hát Quan họ của các làng quê trong tỉnh, mà quan trong hơn, là thoả mãn tình yêu ca hát Quan họ cũng như mong muốn được hát của người Quan họ.

Như chất men càng ủ lâu càng nồng hương, đượm vị, văn hiến Bắc Ninh chưng cất qua thời gian tính bằng cả nghìn năm với chiều sâu, bề dầy, tầm cao mà bao lớp người cùng góp công vun đắp. Và có thể nói, lễ hội mùa xuân của vùng Kinh Bắc với những giá trị lịch sử, văn hoá, tôn giáo tín ngưỡng và tâm linh gắn kết cộng đồng, đã thực sự tạo một khởi đầu đầy hứng khởi cho một năm lao động sản xuất mới của con người mỗi vùng quê trên mảnh đất này.
                                                                   Quang Thuận 

Ý kiến bạn đọc - Gửi bình luận

Gửi bình luận

reset captcha

Gửi bình luận Nhập lại