Lễ hội vùng quê Bắc Ninh – Kinh Bắc

(BTV) Mỗi khi Tết đến xuân về, trong không khí rộn ràng của đất trời và lòng người, mừng quê hương Bắc Ninh ngày càng đổi mới, phát triển; các làng quê vùng Bắc Ninh – Kinh Bắc lại nô nức, tưng bừng mở hội đón xuân. Với 547 lễ hội gắn liền với các di tích lịch sử được lưu giữ, Bắc Ninh được coi là vương quốc của lễ hội, đây cũng chính là di sản quý báu, đặc sắc nhất của Bắc Ninh được du khách thập phương quan tâm, yêu thích.

 


Lễ hội Kinh Dương Vương là cơ hội để con dân đất Việt
tưởng nhớ, tri ân cội nguồn tổ tông

“Mùng bốn đi hội kéo co\  Mùng năm hội Ó chẳng cho nhau về\Mùng sáu đi hội Bồ Đề\Mùng bẩy trở về đi hội Đống Cao”

Hội xuân vùng quê Bắc Ninh – Kinh Bắc còn nổi tiếng trong dân gian với những hội lớn đã vượt ra khỏi quy mô làng, xã như: hội Lim, hội Đền Đô, hội Phật Tích, hội chùa Dâu, hội Diềm và hội đền Bà Chúa KhoQuả thực hiếm có miền quê nào trên đất nước Việt Nam lại có số lượng lễ hội phong phú, đa dạng và trải dài các mùa trong năm như lễ hội của vùng quê Bắc Ninh – Kinh Bắc. Mỗi lễ hội đều có nét tiêu biểu, đặc trưng riêng và gắn liền với những sự kiện lịch sử, văn hóa của quê hương, đất nước.

Hội làng truyền thống của các làng xã ở đây thường gắn liền với hội đình, đền, chùa và xưa được gọi là vào đám. Trong các lễ hội đình, đền bao giờ cũng có hai phần: Phần lễ và phần hội. Phần “lễ” gồm nhiều tục như tế lễ, rước sách, thành hoàng làng, mà trong tâm thức dân gian đó là vị thần bản mệnh coi sóc, che chở cho cộng đồng làng xã mình.

Hàng năm cứ đến ngày 18 tháng Giêng Âm lịch, một vệt làng thuộc địa bàn vùng Dâu – Luy Lâu cổ lại tưng bừng mở lễ hội Kinh Dương Vương để tưởng nhớ tới “Tam vị thánh tổ”: Thủy tổ Kinh Dương Vương, Quốc tổ Lạc Long Quân và quốc mẫu Âu Cơ tại ấp Phúc Thần, làng Á Lữ (nay là xã Đại Đồng Thành, Thuận Thành). Hàng vạn “con Lạc cháu Hồng” từ khắp mọi miền của tổ quốc với tấm lòng tri ân, tưởng nhớ nguồn cội, tổ tông lại tìm về trảy hội.
 “Dù ai đi đâu về đâu/Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về/ Dù ai buôn bán trăm nghề/ Tháng Tư ngày Tám thì về hội Dâu”. Chùa Dâu nằm ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đây là ngôi chùa được đánh giá là xưa nhất Việt Nam.  Các nghi thức trong Hội Dâu là những hoạt động diễn xướng tín ngưỡng cầu Thần Nước của nông dân. Ban ngày rước Tứ Pháp về chùa Dâu “công đồng” là hội tụ các yếu tố Mây+Sấm+Chớp=Mưa. Ban đêm rước Tứ Pháp đi “tuần nhiễu” một vòng khép kín từ đông sang tây là mô tả chu kỳ quả đất xoay tròn, tạo ra năm tháng, bốn mùa. ý nghĩa quan trọng nhất của Hội Dâu là cầu cho mưa thuận gió hòa, ước vọng ngàn đời của cư dân nông nghiệp.

Lễ hội Đền Đô (15-3) hàng năm luôn được tổ chức trọng thể, kỷ niệm ngày Lý Thái Tổ đăng quang và tôn vinh các vị vua triều Lý đã có công khai mở một vương triều thịnh trị trong lịch sử dân tộc. Hội Lim (13 tháng Giêng) là dịp để các làng thuộc tổng Nội Duệ xưa tưởng nhớ các danh thần Nguyễn Đình Diễn, Đỗ Nguyên Thụy, bà Mụ Ả… đã có công xây dựng quê hương.  Hội đền Vua Bà (làng Viêm Xá, Hòa Long, thành phố Bắc Ninh) là ngày hội nhớ ơn bà Thủy tổ Quan họ, người có công sáng tạo ra sinh hoạt văn hóa Quan họ. Hội đền Bà Chúa Kho (thôn Cô Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh) để ghi nhớ công ơn người phụ nữ người làng Quả Cảm đã có công chiêu dân lập ấp, khai khẩn ruộng hoang, giúp triều đình trông coi kho lương trong cuộc kháng chiến chống Tống trên chiến tuyến Như Nguyệt. Hội Thập Đình (Gia Bình) tôn vinh Trạng nguyên khai khoa Lê Văn Thịnh, hội làng Hoài Thượng (Tiên Du) nhớ ơn danh nhân văn hóa, Lưỡng quốc trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo, người đã có nhiều đóng góp với quê hương.

Hầu như phần lễ trong lễ hội nào cũng là nghi thức quan trọng nhất, thể hiện đậm đặc, rõ nét nhất ý nghĩa tâm linh, tôn vinh, ngưỡng vọng đối với các danh nhân được tôn thờ. Ở nhiều lễ hội đã diễn lại các tích truyện, tái hiện sinh động công trạng của danh nhân. Bên cạnh đó, những hoạt động văn hoá, trò chơi dân gian tiêu biểu như đánh đu, thi thổi cơm, dệt vải hay những trò chơi thể hiện tinh thần thượng võ như đấu vật, kéo co… cũng thể hiện sự gắn kết cộng đồng làng xã, tạo sự phong phú cho lễ hội dân gian vùng quê Bắc Ninh-Kinh Bắc.

Các hội làng, sau phần lễ là đến phần hội, các làng tổ chức các tục trò chơi dân gian và các loại hình văn hóa nghệ thuật, thể thao như; Tuồng, chèo, hát Quan họ, thi đấu vật, bơi chải... để nhân dân vui chơi giải trí sau những mùa vụ lao động vất vả. Tại các làng xã bên dòng sông Tiêu Tương cổ và dòng sông Ngũ Huyện Khê, nhất là trong các lễ hội: Hội Lim,hội Ó, hội Nhồi, hội Đào Xá, hội Châm Khê, hội Diềm,…tục hát Quan họ được tổ chức tưng bừng rộn rã. Các liền anh, liền chị Quan họ với những lời ca tinh tế, giai điệu ngọt ngào, đằm thắm đã trở thành nét văn hóa tiêu bieur trong lễ hội của người Bắc Ninh. Tục bơi chải của các làng ven song Cầu như: Như Nguyệt, Vọng Nguyệt (Tam Giang), Phấn Động (Tam Đa); Phả Lại (Đức Long, Quế Võ). Đã phản ánh những nét văn hóa riêng của những cư dân vùng sông nước. Hội làng Thị Cầu có tục thi nấu cỗ nổi tiếng. Cỗ ở đây có cả cỗ mặn và cỗ chay được các bà, các chị nấu nướng rất ngon và bài trí rất đẹp, mang nhiều nghĩa. Hội thi nấu cỗ của Thị Cầu đã phản ánh những nét văn hóa ẩm thực tinh tế, độc đáo của người Thị Cầu. Nổi tiếng phản ánh các nghề nghiệp trong xã hội có tục kéo trò “Bách nghệ” của làng Như Nguyệt (Tam Giang- Yên Phong). Vào ngày hội, đám kéo trò đi đầu làng đến cuối làng diễn đủ các nghề nghiệp trong dân gian như: Thợ cấy, thợ cầy, thợ mộc, thợ nề, thầy đồ, sỹ tử, thày lang…nhằm phản ánh những mặt tích cực và lên án những mặt tiêu cực của các nghề nghiệp trong xã hội.

Hội chùa vùng Bắc Ninh – Kinh Bắc cũng rất nổi tiếng và thường được mở vào mùa xuân, đặc biệt là dịp têt Thượng Nguyên. Hội chùa làng Nhồi (Hòa ĐÌnh) vào mùng 7 tháng giêng có tục rước Bà Dống bằng kiệu hoa tươi từ làng Đống cao về đình chùa làng để tế lễ và mở hội. Có tục thờ thần và hát Quan họ giao lưu với các làng Quan họ khác. 

Lễ hội dân gian vùng quê Bắc Ninh – Kinh Bắc là bức tranh đa mầu sắc, sinh động về con người nơi đây. Đó là quê hương của những danh nhân, danh tướng, nhà khoa bảng nổi tiếng, của những làng quê nông nghiệp với những người nông dân hiền lành, chất phác, chịu thương, chịu khó, của những làng nghề với những nghệ nhân tài hoa, khéo léo, của những làng Quan họ vói những làn điệu mượt mà mà tha thiết…Những lễ hội của các làng xã không những phản ánh những nét văn hóa tiêu biểu của địa phương mà còn kết tinh và tỏa sáng hàng ngàn năm văn hiến của quê hương Bắc Ninh – Kinh Bắc.
BTV

Ý kiến bạn đọc - Gửi bình luận

Gửi bình luận

reset captcha

Gửi bình luận Nhập lại