(BTV) - Làng Đại Bái (Gia Bình) từ lâu đã nổi tiếng bằng nghề đúc đồng được truyền từ đời này sang đời khác. Người dân nơi đây ai cũng tự hào về nghề và luôn luôn ghi nhớ công ơn của vị tổ nghề gò đồng Nguyễn Công Truyền.

Cổng vào đình Đại Bái
Lưu giữ thăng trầm làng nghề
Đình Đại Bái hay có tên khác là đình Diên Lộc, nằm tại thôn Đại Bái, xã Đại Bái, huyện Gia Bình. Theo các cụ cao nhân trong làng kể lại, xưa kia làng Đại Bái có 2 đình gồm: Đình trong có tên "Văn Lãng" thờ Thành Hoàng làng và đình ngoài có tên "Diên Lộc" thờ Tổ nghề đồng. Cả 2 đình đều dựng vào thời Lê với quy mô rất lớn.

Chánh điện đình Diên Lộc
Tháng 6/1947, đình Diên Lộc bị thực dân Pháp đốt phá. Sau đó, đến tháng 8/1948, đình Văn Lãng lại bị chúng thiêu rụi hoàn toàn. Hòa bình lập lại, năm 1954, dân làng tận dụng phế liệu của 2 ngôi đình cũ để dựng và đặt tên mới cho đình là Diên Lộc. Ngôi đình hiện nay là nơi thờ Lạc Long Quân - Thành Hoàng của làng và Á thần - đại vương Nguyễn Công Hiệp. Đồng thời đình cũng là nơi thờ Tổ nghề gò đồng Nguyễn Công Truyền và các vị hậu tiên sư.
Pho tượng Tổ nghề gò đồng Nguyễn Công Truyền được làm bằng đồng do chính những người thợ Đại Bái đúc vào thời Nguyễn. Tượng đặt trong khám thờ, giáp tường sau, gian giữa của đình (trên ban thờ) Tổ nghề Nguyễn Công Truyền được đúc ở tư thế ngồi, 2 tay đặt trên 2 đầu gối: bàn tay phải ngửa lên, bàn tay trái xuôi xuống; đầu đội mũ, chân đi hài, mình mặc áo cẩm bào, trên áo có đúc nổi hình rồng, phượng và một số nét mây. Tai tượng chảy dài, mắt nhìn thẳng. Toàn bộ tượng cao 106 cm, vai rộng 41cm. Tượng Tổ nghề Nguyễn Công Truyền là tượng chân dung, toát lên dáng vẻ một người tầm thước, khỏe mạnh, có tâm hồn trong sáng. Đúc pho tượng này, những người thợ Đại Bái đã thể hiện sinh động tài năng đúc đồng của mình - một tài năng mà ít người và ít khi được nhắc tới.

Tổ nghề gò đồng Nguyễn Công Truyền
Đình Diên Lộc được xem như trái tim của làng nghề đúc đồng Đại Bái, nơi lưu giữ những ký ức và giá trị văn hóa truyền thống lâu đời. Hàng năm, vào dịp lễ hội làng nghề, người dân địa phương cùng du khách thập phương lại đổ về đây để tham gia các hoạt động văn hóa, tâm linh, tưởng nhớ công ơn Tổ nghề và cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt.
Đình Diên Lộc không chỉ là nơi thờ cúng tâm linh mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của làng nghề đúc đồng Đại Bái. Nơi đây đã được chứng kiến bao thăng trầm lịch sử, cùng với người dân địa phương gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của quê hương.
Phát triển du lịch địa phương
Hàng năm, tất cả những người đàn ông của làng ở tuổi 49 đều được giao trông nom, bảo vệ di tích rất nghiêm ngặt. Đã thành truyền thống, tất cả dân làng, dù ở xa hay gần, mỗi khi sáng tạo được những sản phẩm mới, phù hợp với việc bài trí trong di tích, đều tự nguyện đóng góp vào di tích. Họ coi đó là hành động biểu hiện sâu sắc tinh thần "uống nước nhớ nguồn". Do vậy, cụm di tích không những được gìn giữ chu đáo, mà còn ngày càng thêm phong phú về nội dung, ý nghĩa.
Bên cạnh đó, nơi đây còn là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Đến với đình, du khách sẽ được đắm chìm trong không gian văn hóa truyền thống, tìm hiểu về lịch sử làng nghề đúc đồng Đại Bái và chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật đồng tinh xảo.


Vẻ đẹp của đình Diên Lộc được thể hiện qua từng chi tiết nhỏ
Du khách có thể tham quan các gian thờ, tìm hiểu về lịch sử làng nghề, quy trình sản xuất đồng, chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật đồng độc đáo. Ngoài ra, du khách còn có thể tham gia các lễ hội truyền thống được tổ chức tại đình vào các dịp đặc biệt trong năm
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và du lịch to lớn, Đình Diên Lộc đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 1996. Chính quyền địa phương và nhân dân nơi đây luôn chung tay bảo vệ, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của di tích. Các hoạt động văn hóa tín ngưỡng được duy trì, phát huy, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương. Đình Diên Lộc cũng được giới thiệu, quảng bá như điểm du lịch văn hóa hấp dẫn, thu hút du khách đến với Bắc Ninh

Đình đã trở thành di tích cấp Quốc Gia từ năm 1996
Một số hình ảnh của ngôi đình:



Đình có kiến trúc kiểu "bình đầu bốn mái đao cong"

Bia ghi công đức của nhân dân

Không gian bên trong Đại đình


Sắc phong và tiểu sử ghi chép về tổ sư nghề gò đồng
Văn Đức – Thu Huyền