(BTV) - Nằm giữa vùng đất Kinh Bắc cổ kính, Chùa Tổ (hay còn gọi là Phúc Nghiêm Tự) tại phường Hà Mãn, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, không chỉ thu hút du khách bởi kiến trúc cổ kính, thanh tịnh mà còn ẩn chứa huyền tích ly kỳ về nàng Man Nương - vị mẫu tổ của Phật giáo Việt Nam.
Kiến trúc độc đáo của Chùa Tổ
Chùa Tổ (Phúc Nghiêm tự) thuộc Mãn Xá, phường Hà Mãn, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Chùa được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên, thuộc quần thể chùa Tứ Pháp của đất Phật Luy Lâu và là một trong những ngôi chùa cổ nhất của Việt Nam còn tồn tại đến ngày nay.

Lối vào Chùa Tổ
Chùa Tổ vốn được khởi dựng từ lâu đời và được nhiều triều đại trùng tu, đến nay chỉ còn tòa Tam Bảo thượng (Thượng điện) là công trình kiến trúc của thời Nguyễn còn bảo lưu khá nguyên vẹn. Trung tâm điện phật (Tòa thượng điện) là nơi thờ Phật mẫu Man Nương. Tượng Phật mẫu Man Nương được tạo tác trong tư thế tọa thiền trên tòa sen, cao gần 1,70m, giống với các tượng Tứ Pháp, khuôn mặt từ bi thánh thiện, toàn thân phủ một lớp sơn mầu mận chín đầy vẻ huyền bí linh thiêng.

Tượng Phật Mẫu Man Nương
Phía trên cao là tượng ông bà Tu Định là thân phụ và thân mẫu của Man Nương, toàn thân sơn mầu nâu sẫm, áo cà sa khoác ngoài trùm kín đùi. Góc bên phải của Thượng điện là tượng sư tổ Khâu Đà La, đầu trọc để trần, khuôn mặt từ bi, ngồi thiền trên tòa sen, áo cà sa khoác ngoài.

Ban thờ chính điện của Chùa
Hiện chùa Tổ còn bảo lưu được nhiều tài liệu cổ vật quý giá như: tượng thờ, bia đá, sắc phong, hoành phi, câu đối... Trong đó, có sắc phong của triều vua Cảnh Hưng thứ 14 (1786) phong cho sư tổ Khâu Đà La và một sắc phong triều vua Khải Định thứ 8 (1923) phong cho Phật Mẫu Man Nương. Các tài liệu cổ vật quý giá đó đã minh chứng sự có mặt của Khâu Đà La và Man Nương là có thật và họ chính là những người đã tạo nên Sơn môn Dâu cùng hệ thống Tứ Pháp đầu Công nguyên.


Các bức tượng tại Chùa vẫn giữ được những nét cổ kính
Truyền thuyết về nàng Man Nương
Theo truyền thuyết, vào thời vua Hùng thứ 6, tại làng Mãn Xá có một cô gái xinh đẹp tên là Man Nương. Nàng nổi tiếng với lòng hiền thảo, đức hạnh và có nhan sắc tuyệt mỹ. Một hôm, khi đang đi hái rau ven sông, Man Nương gặp một vị thiền sư người Ấn Độ tên là Khâu Đà La. Vị thiền sư bị thu hút bởi vẻ đẹp và tấm lòng của Man Nương nên đã thuyết giảng Phật pháp cho nàng. Man Nương say mê lời giảng của thiền sư và quyết tâm theo con đường tu hành.


Giếng Man Nương, ao Mắt rồng là nơi gắn liền với sự tích Man Nương
Sau một thời gian tu tập, Man Nương mang thai và sinh hạ một bé gái. Vị thiền sư Khâu Đà La biết được điều này đã tức giận và bỏ đi. Man Nương vô cùng đau khổ và quyết tâm nuôi dạy con gái thành người. Nàng lấy tên pháp là Diệu Thiện và truyền dạy cho con gái những kiến thức Phật pháp. Khi Diệu Thiện lớn lên, nàng cũng trở thành một vị tu hành đắc đạo và được mọi người tôn kính. Sau khi Man Nương qua đời, Diệu Thiện đã kế tục truyền bá Phật pháp và trở thành vị tổ thứ nhất của Phật giáo Việt Nam.
Sau khi Man Nương qua đời, người dân địa phương đã lập miếu thờ để tưởng nhớ công đức của bà. Miếu thờ này dần dần được mở rộng và trở thành Chùa Tổ - nơi thờ Phật Mẫu Man Nương và các vị tổ của Phật giáo Việt Nam

Tượng nghê đá trong sân Chùa
Chùa Tổ và hệ thống chùa Tứ Pháp vùng Dâu huyện Thuận Thành là tinh hoa của sự dung hội giữa Phật giáo Ấn Độ khi du nhập vào nước ta với tín ngưỡng bản địa của người Việt cổ thờ các lực lượng tự nhiên (mây, mưa, sấm, chớp), để tạo nên một trung tâm tín ngưỡng tôn giáo mang đậm sắc thái dân tộc. Từ trung tâm Dâu, Phật giáo đã lan tỏa đi khắp các vùng miền của cả nước. Vì vậy, chùa Tổ và hệ thống của Tứ Pháp đã trở thành dấu tích quan trọng của quá trình hình thành và phát triển Phật giáo Việt Nam. Với giá trị đặc biệt về lịch sử Văn hóa, Tôn Giáo và tín ngưỡng, năm 2001 ngôi chùa Tổ - Phúc Nghiêm Tự, đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng, công nhận là di tích cấp Quốc Gia.
Văn Đức – Thu Huyền